Kinh tế

Tập trung kiểm soát lạm phát năm 2024 không quá 4%

Hồng Sơn - Thanh Hiền 05/11/2024 - 06:25

Tình hình kinh tế vĩ mô đang diễn ra ổn định, trong đó có sự đóng góp quan trọng của việc kiểm soát lạm phát có hiệu quả. Đó là nhận định của hầu hết các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước về thực trạng kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, các tổ chức dự báo, năm 2024 sẽ tiếp tục ghi dấu ấn kiểm soát lạm phát thành công của nước ta.

nguoi-dan-chon-mua-thuc-pham-tai-trung-tam-thuong-mai-savico-mega-mall-quan-long-bien-.-anh-do-tam.jpg
Người dân chọn mua thực phẩm tại Trung tâm thương mại Tasco Mall (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Trong ngưỡng an toàn

9 tháng của năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả nước tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2023. Mức lạm phát nói trên không cao, cho thấy còn dư địa khá rộng cho công tác điều hành từ nay đến hết năm 2024.

Có được kết quả này là do, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, bình ổn thị trường, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điển hình là: Duy trì thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tổ chức; theo dõi sát sao diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu...

Đặc biệt, bão số 3 (Yagi) gây hậu quả nghiêm trọng đối với một số nơi đã khiến rau, củ quả, thực phẩm khan hiếm, dẫn đến tăng giá cục bộ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm chỉ đạo tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân bị ảnh hưởng, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,..

Đồng thời, Chính phủ đã tập trung một số giải pháp phù hợp. Đó là, bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Chú trọng tăng cường quản lý, điều hành giá trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ. Để bù đắp nguồn cung hàng hóa khu vực phía Bắc bị thiếu hụt do ảnh hưởng của bão số 3, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập hàng từ các tỉnh phía Nam và Đà Lạt nhằm giữ giá cả cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Theo đó, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường cơ bản không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, năm nay, giá hàng hóa và doanh số bán hàng nhìn chung ổn định; mỗi hóa đơn trung bình đạt từ 400.000 đến 500.000 đồng, ít thay đổi so với năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay, thay vì mua sắm đa dạng các mặt hàng như trước đây, khách hàng hiện tập trung vào các sản phẩm khuyến mãi lớn…

Chủ động các giải pháp

Theo các chuyên gia, từ nay đến hết năm vẫn ẩn chứa một số yếu tố diễn biến phức tạp cần tập trung theo dõi, ứng phó kịp thời. Trước hết là rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương. Đồng thời, theo quy luật, vào các tháng cuối năm và dịp Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng. Những thực tế đó sẽ làm tăng CPI trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 là trong khoảng 4,0-4,5%.

Bên cạnh đó, dự báo, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới có thể gây áp lực lên lạm phát. Việc điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí cũng có thể đẩy CPI tăng. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới đang ở mức cao, diễn biến khó lường trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất sẽ ảnh hưởng đến giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá tiêu dùng trong nước tăng.

Với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2024 không quá 4%, mới đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ rõ một số giải pháp đáng lưu ý. Trước hết, các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt là việc quản lý, điều hành giá, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, quản lý tốt tỷ giá… Các bộ, ngành tiếp tục rà soát để điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Đồng thời, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định về giá, kiểm soát, bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung kiểm soát lạm phát năm 2024 không quá 4%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.