(HNM) - Theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và LB Nga, Việt Nam sẽ lựa chọn công nghệ của Nga cho dự án Nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1. Hai bên cũng nhất trí giao cho Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) thực hiện dự án quan trọng này.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: Tiến Dũng. |
- Gần đây, có nhiều đề xuất lui thời hạn khởi công xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Vậy quan điểm của Rosatom trong vấn đề này như thế nào?
- Thời hạn khởi công xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đã được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam là năm 2014. Khởi công, ở đây được hiểu là công đoạn đổ mẻ bê tông đầu tiên, tức là đổ móng của nhà máy. Hiện nay, các chuyên gia Việt Nam nêu ý kiến rằng thời hạn khởi công nhà máy nên lùi lại ít lâu với lý do đây là công trình ĐHN đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam và cần có nhiều thời gian hơn để hoàn tất những thủ tục cần thiết. Đây là một công việc rất lớn và mọi khía cạnh quan trọng nhất của nhà máy ĐHN tương lai đều phụ thuộc vào đó. Thời hạn mới sẽ được Quốc hội xem xét dựa trên báo cáo của Bộ Công thương Việt Nam, và như chúng tôi được biết, báo cáo này đang trong quá trình chuẩn bị. Như vậy, đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức. Rosatom cho rằng, các kế hoạch của Chính phủ Việt Nam đối với dự án nêu trên là hợp lý, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Hiện chúng tôi đã bắt tay thực hiện thiết kế kỹ thuật của nhà máy ĐHN, cũng như cùng các đồng nghiệp Việt Nam chuẩn bị các tài liệu liên quan.
- Theo ông, điểm mạnh của Việt Nam khi xây dựng nhà máy ĐHN ở thời điểm hiện nay là gì?
- Hiện tại Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng và khai thác nhà máy ĐHN. Đến nay, các bạn cũng chỉ mới bước vào con đường phát triển ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, việc Việt Nam khởi đầu chương trình ĐHN của mình trong mối quan hệ đối tác với một số quốc gia phát triển mạnh nhất trong lĩnh vực này, và với sự ủng hộ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thì rõ ràng đó là một lợi thế. Ưu điểm lớn khác là Việt Nam có tiềm năng khoa học, nhiều chuyên gia Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô (cũ) nên họ hiểu về công nghệ điện và hạt nhân của chúng tôi. Điều đó cho phép chuyên gia hai nước nói cùng một ngôn ngữ và cùng được dẫn dắt bởi những nguyên tắc khoa học thống nhất.
- Sau sự cố tại Nhà máy ĐHN Fukushima 1 (Nhật Bản) do động đất, sóng thần tháng 3-2011 thì việc nâng cấp độ an ninh, an toàn cho các dự án ĐHN tương lai là rất quan trọng và tại Ninh Thuận không là ngoại lệ. Đến lúc này, công tác nghiên cứu của Rosatom tại Ninh Thuận đã đến giai đoạn nào?
- Đối với Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, đến cuối năm 2013 đã hoàn thành được Báo cáo khả thi, trong đó có báo cáo về việc lựa chọn mặt bằng bố trí nhà máy. Theo tất cả các tiêu chuẩn yêu cầu thì mặt bằng được đề xuất phù hợp với một nhà máy gồm 4 tổ máy, mỗi tổ có công suất khoảng 1.000MW.
Hiện tại, các chuyên gia Việt Nam đang phân tích các tài liệu của Báo cáo khả thi để chọn ra thiết kế cơ bản tối ưu, an toàn nhất và có hiệu quả kinh tế cao nhất. Các bên cũng thảo luận về thiết kế kỹ thuật trước mắt của nhà máy ĐHN. Nhiệm vụ cơ bản hiện nay là Chính phủ Việt Nam phê duyệt các kết quả của Báo cáo khả thi, chuẩn bị văn bản cần thiết để nhà tổng thầu Nga xây dựng dự án kỹ thuật và chuẩn bị mặt bằng xây dựng đã được phê duyệt.
- Trong dịp đến Hà Nội hồi tháng 1-2014 vừa qua, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho rằng, Việt Nam phải chuẩn bị cẩn thận, có tham vấn kỹ càng chứ không nên gấp gáp trong dự án ĐHN đầu tiên của mình. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
- Tất nhiên, việc chuẩn bị bắt đầu xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên không nên vội vã và cần phải chuẩn bị kỹ ở tất cả các khâu. Phát ngôn của người đứng đầu IAEA cũng cần được hiểu theo quan điểm này. Theo chúng tôi, hiện tại công việc chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam đang diễn ra theo tốc độ cần thiết và phù hợp, giúp cho phép thực hiện tất cả các thủ tục và công việc kiểm tra cần thiết liên quan đến công tác thiết kế, phê duyệt dự án cũng như cấp phép xây dựng.
Công nghệ Nga được chọn để xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 bởi Việt Nam hiểu rằng LB Nga có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng các nhà máy ĐHN, trong đó có việc xây dựng các lò phản ứng thế hệ mới. Nga cũng có năng lực nhất trong mảng chu trình nhiên liệu hạt nhân, từ khâu khai thác và làm giàu quặng uranium, đến khâu xử lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng, cũng như đào tạo cán bộ cho ngành hạt nhân và xây dựng khuôn khổ pháp lý. Quá trình hình thành khuôn khổ pháp lý quốc gia cơ bản và đào tạo cán bộ cho Việt Nam cũng đã diễn ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, hiện công nghệ ĐHN phát triển rất nhanh và để theo kịp thì việc thực hiện dự án của Việt Nam cần theo tiến độ đã đề ra. Thời gian từ nay cho đến trước khi bắt đầu khởi công, hay cho đến khi khởi động và đưa vào vận hành nhà máy ĐHN cần khoảng 4 đến 10 năm. Giai đoạn này, theo chúng tôi là hoàn toàn đủ để thực hiện tất cả những khối lượng công việc còn lại.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.