Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành: Đáp ứng mục tiêu phát triển

Tuấn Lương| 15/07/2013 06:25

(HNM) - Bộ GTVT vừa tổ chức hội thảo quốc tế nhằm góp ý kiến báo cáo đầu tư dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Cảng hàng không ngang tầm khu vực

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết: Sân bay Tân Sơn Nhất nằm tại nội đô TP Hồ Chí Minh nên khả năng mở rộng và bảo đảm an toàn bay rất hạn chế. Trong khi đó, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trung bình 15-20% mỗi năm. Dự kiến đến năm 2020, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải. Vì thế, cần phải xây dựng CHKQT Long Thành với vai trò là trung chuyển, bảo đảm có thể tiếp nhận 80-100 triệu hành khách/năm…

Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) Lại Xuân Thanh cho biết, chủ trương xây dựng sân bay Long Thành đã được đề cập từ năm 1997 và được quy hoạch trở thành CHK lớn nhất toàn quốc bổ sung cho CHKQT Tân Sơn Nhất và có khả năng phát triển thành một trung tâm trung chuyển hàng không lớn tầm khu vực và thế giới.

Mô hình Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.


Với khoảng cách 40km tính từ trung tâm TP Hồ Chí Minh, 32km tính từ TP Biên Hòa (Đồng Nai), 50km tính từ TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) và 50km từ Vũng Tàu, vị trí quy hoạch CHKQT Long Thành bảo đảm phù hợp với tiêu chí về khoảng cách và thời gian vận chuyển hành khách, hàng hóa đi và đến TP Hồ Chí Minh cũng như khu vực lân cận. Quy hoạch phát triển GTVT khu vực cũng bảo đảm việc đi lại từ Long Thành đến TP Hồ Chí Minh thuận lợi với tuyến đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây. Hơn nữa, diện tích khu vực xây dựng sân bay rộng 5.000ha bảo đảm công suất 80-100 triệu hành khách/năm. Dự kiến, giai đoạn I (đến năm 2020) sẽ xây dựng nhà ga đủ sức tiếp nhận 25 triệu hành khách/năm. Giai đoạn II (đến năm 2030) sẽ đạt công suất 50 triệu hành khách/năm. Giai đoạn III (sau năm 2030) sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm.

Cần sớm xây dựng

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng và chuyên gia cơ bản đồng thuận với việc phải sớm xây dựng CHKQT Long Thành. Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng HKVN cho biết, hiện sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có hai đường cất hạ cánh (cách nhau khoảng 61m) và đang thiếu sân đậu cho máy bay. Các nhà ga hành khách có thể phục vụ 20 triệu khách/năm, sắp tới sẽ được nâng cấp lên khoảng 25 triệu khách/năm, nhưng dự kiến đến năm 2018-2020 sẽ quá tải. Có hai phương án, thứ nhất có thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Biên Hòa (Đồng Nai) hoặc xây dựng sân bay mới tầm cỡ quốc tế tại Long Thành. Qua so sánh nhận thấy vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai để mở rộng các sân bay đã có là hết sức phức tạp với dự kiến tổng kinh phí GPMB có thể lên tới 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Long Thành, việc đền bù đất chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng, lại bảo đảm môi trường, cách xa các khu dân cư. Mặt khác, CHKQT Long Thành kết nối với đường sắt, quốc lộ 51 và có đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây nên rất thuận lợi. Thông thường, việc xây dựng một CHKQT phải mất cả chục năm. Nếu thời điểm này khởi công, đến năm 2020 sẽ có sân bay mới giảm tải cho Tân Sơn Nhất.

Đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) khẳng định, việc quy hoạch và đầu tư phát triển năng lực CHKQT cho khu vực TP Hồ Chí Minh là cần thiết. Phương án quy hoạch sân bay Long Thành thành điểm trung chuyển và hỗ trợ CHKQT Tân Sơn Nhất, đồng thời vẫn tiếp tục sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất là lựa chọn chuẩn xác, phù hợp với bối cảnh hiện tại và trong tương lai.

Về vấn đề nguồn vốn, ước tính chi phí đầu tư cho giai đoạn 1 CHKQT Long Thành vào khoảng 5,6 tỷ USD. Ông Lại Xuân Thanh cho biết, cần phải có cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư mới có thể hút vốn cho dự án, đặc biệt là những chính sách ưu đãi về thuế. Bộ GTVT đã giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cùng với các nhà tư vấn nghiên cứu kỹ để kiến nghị với nhà nước nhằm bố trí vốn dự kiến được huy động từ các nguồn ODA, trái phiếu chính phủ, vốn doanh nghiệp và các hình thức liên doanh, liên kết. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Nếu Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ thành lập Công ty CHKQT Long Thành để triển khai việc huy động vốn cũng như các điều kiện cần thiết nhằm có thể khởi công dự án sớm nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành: Đáp ứng mục tiêu phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.