Ba đoạn trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ được khai thác trong thời gian tới, giúp giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường hiện hữu.
Ghi nhận trên công trường ngày 14-10, tại khu vực nút giao giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh), hàng trăm công nhân cùng máy móc, thiết bị đang khẩn trương thi công hoàn chỉnh phần đường dẫn, vòng xoay, lát gạch vỉa hè, xây lắp trạm thu phí…
Trong khi đó, trên đường hiện đã hoàn tất thảm nhựa, kẻ vạch, lắp đặt biển hướng dẫn, biển báo; các đường dẫn ra vào cao tốc, toàn bộ hệ thống chiếu sáng thuộc phạm vi gói thầu và các điểm kết nối cũng đã hoàn thành và được kiểm tra, thử nghiệm, đảm bảo đủ năng lực chiếu sáng.
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam về đề nghị phê duyệt phương án tổ chức giao thông giai đoạn khai thác tạm dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Trên cơ sở tiến độ của các gói thầu, VEC đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt phương án tổ chức giao thông khai thác tạm thời đường cao tốc Bến Lức - Long Thành từ tháng 11-2024 với 2 đoạn tuyến, gồm: Từ Km0 - Km 3+420 (nút giao Trung Lương - nút giao quốc lộ 1), dài 3,4km thuộc địa phận tỉnh Long An và thành phố Hồ Chí Minh.
Đoạn còn lại là Km 50-530 - Km 57-581 (nút giao Phước An - nút giao quốc lộ 51), dài 6,1km thuộc tỉnh Đồng Nai. Đoạn qua tỉnh Đồng Nai gồm 3 gói thầu A5, A6, A7. Đến nay, gói A5 đã cơ bản xong, các nhà thầu đang chờ nghiệm thu để bàn giao cho chủ đầu tư; gói A7 cơ bản đã hoàn thành; gói A6 có một số gói thầu nhỏ cũng đang tăng tốc để kịp tiến độ thông xe.
Riêng đoạn từ Km3+420 - Km21+850 (nút giao quốc lộ 1A đến nút giao Nguyễn Văn Tạo, thành phố Hồ Chí Minh) dài 18,8km được đề xuất khai thác trong quý I-2025.
Theo đề xuất, tất cả phương tiện đủ điều kiện được phép lưu thông trên các tuyến khai thác tạm và phải tuân thủ các quy định như chạy đúng phần đường, làn đường; chạy đúng tốc độ tối đa, tối thiểu; đảm bảo an toàn khi chuyển làn, khoảng cách an toàn...
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57km, có điểm bắt đầu của tuyến từ huyện Bến Lức (tỉnh Long An) và kết thúc tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài 2,7km, thành phố Hồ Chí Minh dài 26,4km và Đồng Nai dài 28,7km. Đường rộng 24m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100km/h.
Tổng mức đầu tư đến nay gần 29.600 tỷ đồng, sử dụng các nguồn vốn gồm: Vốn vay ADB (8.065,7 tỷ đồng), vốn vay JICA (10.101,3 tỷ đồng), vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước (3.872,4 tỷ đồng) và vốn VEC tự thu xếp (7.547,6 tỷ đồng).
Dự án được khởi công từ năm 2014 và dự kiến hoàn thành sau 5 năm. Nhưng do gặp khó khăn về chính sách đầu tư và nguồn vốn, dự án từng dừng triển khai khi đã xong 80% khối lượng... Theo kế hoạch mới nhất, toàn tuyến sẽ được khai thác vào tháng 9-2025.
Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam, giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, giúp giảm ùn tắc giao thông cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành có 11 gói thầu xây lắp, gồm: Đoạn 1 phía Tây (gói thầu A1 - A4); đoạn 2 (gói thầu J1 - J3) và đoạn 3 phía Đông (gói thầu A5 - A7). Trong đó, đến nay, đoạn 1 đạt khoảng 85% khối lượng thi công; đoạn 2 đạt tiến độ 87%; đoạn 3 đạt khoảng 80%. Tổng khối lượng toàn dự án đạt khoảng 85%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.