(HNM) - Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Trên các diễn đàn, những ý kiến phản ánh, đề xuất, góp ý của nhân dân đều tập trung vào một số nội dung mới như: Tăng tuổi nghỉ hưu, thúc đẩy bình đẳng giới, mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ… Đó cũng là những điểm Ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần lưu ý để điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện khung pháp lý về lao động, việc làm trong tình hình mới.
Phù hợp với xu hướng phát triển...
Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang lấy ý kiến rộng rãi có nhiều nội dung mới và tiến bộ. Nổi bật là đề xuất điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường lên đủ 62 tuổi đối với nam, đủ 60 tuổi đối với nữ. Riêng nhóm lao động đặc biệt được nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn không quá 5 năm so với quy định.
Lý giải về đề xuất này, ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thành viên Ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho biết, hơn 60% số người từ 60 tuổi đến 69 tuổi ở nước ta hiện vẫn tham gia lao động. Do đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo điều kiện cho người lao động có cuộc sống tốt hơn khi về già. Hơn nữa, trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra nhanh, nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu để tận dụng nguồn nhân lực có tri thức, kinh nghiệm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội và nước ta không phải là ngoại lệ.
Ở góc độ bình đẳng giới, bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, việc tăng tuổi hưu còn là giải pháp góp phần thu hẹp khoảng cách về giới, thu nhập giữa lao động nam và nữ ở nước ta hiện nay.
Cùng với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) còn bổ sung một số quy định nhằm ưu tiên cho lao động nữ trong quá trình họ mang thai, nuôi con nhỏ hoặc làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Chị Nguyễn Thị Liên, công nhân Công ty cổ phần May Sơn Hà, phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) bày tỏ: “Nếu quy định về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác được người sử dụng lao động thực thi đầy đủ, tôi tin đa số lao động nữ sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Đức Hiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) chia sẻ, với đặc thù sử dụng hơn 90% lao động là nữ, nhiều năm qua, công ty đã thực hiện các chính sách ưu tiên với đối tượng này tương tự những nội dung được quy định tại dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Kết quả, doanh nghiệp có được lực lượng lao động ổn định, vững tay nghề, người lao động được nâng cao mức sống, còn xã hội giảm tình trạng lao động nữ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.
Đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm cũng nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. “Quy định này được triển khai sẽ gỡ khó cho người lao động và doanh nghiệp trong một số tình huống cấp bách”, bà Vũ Thùy Linh, cán bộ Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) phản ánh.
Cần sự linh hoạt, đồng bộ
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá, đề xuất điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để triển khai. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới về số năm khỏe mạnh sau tuổi 60, hiện trung bình mỗi người Việt Nam từ 60 tuổi trở lên có 17,2 năm sống khỏe mạnh, xếp thứ 41 trong tổng số 183 quốc gia có tên trong bảng đánh giá.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, các cơ quan, đơn vị chức năng cần nghiên cứu đồng bộ với các chính sách khác. “Chẳng hạn, chính sách cán bộ cần được sửa đổi theo hướng, trong khoảng hai năm trước khi nghỉ hưu, công chức lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước có thể thôi giữ chức vụ, để thực hiện trách nhiệm chuyển giao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho thế hệ kế tiếp. Ngành Giáo dục và Đào tạo có thể sắp xếp, bố trí lại vị trí công việc cho nhóm lao động đặc thù ở bậc mầm non, tiểu học…”, ông Phạm Trường Giang đề xuất.
Liên quan đến nội dung bình đẳng giới, bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp (Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) đề nghị Ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) bổ sung quy định nghỉ thai sản với lao động nam, nữ trong trường hợp nhận nuôi con nuôi, mang thai hộ để thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Hôn nhân và Gia đình và bảo đảm quyền lợi cho người lao động...
Về vấn đề làm thêm giờ, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời gian làm việc chính thức, bảo đảm việc tái tạo sức khỏe cho người lao động. Tiền lương làm thêm giờ cho người lao động cần được tính theo lũy tiến, nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp huy động làm thêm giờ tràn lan. Thời gian làm thêm giờ tối đa cần được giới hạn theo tháng, để người lao động không bị kiệt sức do phải làm thêm giờ trong khoảng thời gian dài liên tục…
Trước những ý kiến đa chiều, tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 vừa diễn ra, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng để hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo hướng khách quan, khoa học, phù hợp với thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.