PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Đối mặt với rào cản thương mại
Theo PGS.TS Đinh Công Hoàng, đối mặt với áp lực từ việc Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46%, Việt Nam thể hiện khả năng ứng biến linh hoạt, mềm dẻo và chủ động.
“Ngoại giao cây tre” là hình ảnh tượng trưng cho chính sách của Việt Nam. Đó là linh hoạt nhưng kiên định, giúp thích ứng với mọi biến động mà vẫn bảo vệ lợi ích cốt lõi. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm do các nước lớn tập trung phát triển nội địa và tái cấu trúc chuỗi giá trị, Việt Nam đã tận dụng nền tảng sản xuất – xuất khẩu vững mạnh. Việt Nam vẫn thu hút hơn 38 tỷ USD vốn đầu tư và đạt được mức tăng trưởng xuất, nhập khẩu ấn tượng trong năm 2024, nhờ môi trường kinh doanh cởi mở và các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” như: EVFTA, CPTPP, RCEP…
Để ứng phó với thuế quan từ Mỹ, Việt Nam đang nỗ lực cân bằng thâm hụt thương mại bằng cách tăng nhập khẩu các mặt hàng chiến lược như máy móc, thiết bị công nghệ cao và nông sản từ Mỹ; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các dự án công nghệ cao tại Việt Nam. Những biện pháp này không chỉ giúp giảm chênh lệch thương mại mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, thể hiện tinh thần “ngoại giao cây tre” – linh hoạt ứng phó nhưng kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia.
Không chỉ đối phó với thuế quan, Việt Nam còn chủ động vượt qua các rào cản phi thuế quan ngày càng tinh vi trên trường quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã giúp giảm đáng kể thuế xuất, nhập khẩu, đưa mức thuế tiệm cận 0%.
Tuy nhiên, tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, những quy định pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu hành chính vẫn là thách thức đáng kể. Các rào cản này không chỉ tác động đến kim ngạch xuất khẩu mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cấu trúc chuỗi giá trị sản xuất của Việt Nam.
Ví dụ, ngành da giầy – mặt hàng xuất khẩu chủ lực – đã chịu áp lực từ các biện pháp chống bán phá giá và yêu cầu kỹ thuật của EU, làm suy giảm sức cạnh tranh và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tương tự, ngành thủy sản cũng đối mặt với các quy định nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn môi trường tại thị trường Mỹ và EU.
“Để hội nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, Việt Nam cần nghiên cứu và vượt qua hệ thống rào cản đa dạng, từ thuế quan đến phi thuế quan, đồng thời nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp”, PGS.TS Đinh Công Hoàng nhấn mạnh
Đa dạng hóa thị trường, hướng tới các khu vực tiềm năng
PGS.TS Đinh Công Hoàng cho rằng, thay vì đối đầu trực diện với các biện pháp áp thuế từ Mỹ, Việt Nam cần linh hoạt mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác tiềm năng từ các khu vực “còn ngủ quên” như Trung Đông và Bắc Phi, Mỹ Latinh... Hướng đi này không chỉ đa dạng hóa thị trường mà còn giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU hay Trung Quốc.
Đặc biệt, Chính phủ đã triển khai đề án phát triển ngành công nghiệp Halal, nhắm tới thị trường tiêu dùng hơn 1 tỷ người Hồi giáo với thu nhập cao. Đây là bước đi chiến lược, tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, khẳng định tầm nhìn toàn diện của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động.
Sự thành công của Việt Nam không chỉ bắt nguồn từ lợi thế địa lý chiến lược mà còn nhờ nỗ lực chuyển đổi đầy quyết tâm từ mô hình FDI truyền thống – vốn chủ yếu dựa vào gia công giá trị thấp – sang các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chip, bán dẫn, điện tử, năng lượng tái tạo, kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Sự chuyển mình này không chỉ phản ánh khát vọng “làm chủ công nghệ” và xây dựng thương hiệu nội địa mà còn đánh dấu bước ngoặt từ sản xuất số lượng sang sản xuất chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng vượt trội cho nền kinh tế.
Minh chứng từ thực tiễn được thể hiện rõ qua thành công của các tập đoàn như VinFast, Viettel và FPT. VinFast đã vươn tầm quốc tế với ngành xe điện, khẳng định năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ xanh. Viettel dẫn đầu trong công nghệ viễn thông, đóng góp lớn vào hạ tầng số quốc gia, trong khi FPT tiên phong trong chuyển đổi số, đưa giải pháp công nghệ Việt ra thị trường toàn cầu. Những thành tựu này không chỉ minh họa cho quyết tâm kiểm soát công nghệ mà còn khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam.
Hơn thế nữa, sự chuyển dịch sang công nghệ cao giúp Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật khắt khe từ các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và EU, nơi các tiêu chuẩn công nghệ và quy định ngày càng nghiêm ngặt. Điều này không chỉ gia tăng giá trị kinh tế mà còn củng cố năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với nền tảng từ các chiến lược, chính sách đột phá như Nghị quyết 57, Việt Nam đang từng bước khẳng định khả năng thích ứng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên công nghệ mới.
Những chiến lược trên minh chứng cho “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Đó là mềm dẻo trong cách tiếp cận, kiên định trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Bằng cách đa dạng hóa thị trường, chuyển đổi cơ cấu thương mại, đầu tư vào công nghệ cao và mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở cùng có lợi, Việt Nam không chỉ vượt qua khó khăn mà còn củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong kỷ nguyên kinh tế mới, Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc thích ứng với thách thức mà còn hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ cao và mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.