Bộ Tài chính, ngày 11-4, tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật NSNN năm 2015, đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2025 theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).
Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) tập trung giải quyết 4 vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất, đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo hướng tăng vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tạo điều kiện cho ngân sách địa phương chủ động huy động, sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, rà soát, sửa đổi các quy định về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp, ưu tiên bố trí nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ ba, tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập dự toán và chấp hành ngân sách. Chính phủ được tăng quyền quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng không làm tăng mức vay, bội chi NSNN.
UBND các cấp ở địa phương được tăng thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương, sau đó mới báo cáo cấp có thẩm quyền.
Việc xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành NSNN được sửa đổi theo hướng bỏ thứ tự ưu tiên, mở rộng phạm vi được sử dụng nguồn lực này, nhằm nâng hiệu quả, tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh.
Thứ tư, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tối ưu hóa quy trình, thủ tục lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách, như bỏ thủ tục quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm; trình tự và yêu cầu lập dự toán chi, nhất là đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…, tạo điều kiện rút ngắn thời gian tổng hợp, lập quyết toán ngân sách.
Tại hội thảo, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai nêu, theo dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ, dẫn đến một số hoạt động khoa học và công nghệ chưa thể chủ động.
“Trong khi đang thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, nên xem xét, bổ sung trong Luật về nội dung nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ cho ngân sách các cấp bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương”, bà Lê Thị Huỳnh Mai đề xuất.
Về Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đại diện thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị bổ sung, Quỹ được thành lập theo quy định của trung ương hay có thể theo nhu cầu thực tế của địa phương.
Liên quan đến tính chủ động của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng đề xuất, nhiệm vụ chi do trung ương giao cụ thể không nhất thiết phải thông qua Hội đồng nhân dân nhằm giảm bớt thủ tục hành chính. Cùng với đó, nhiệm vụ chi của địa phương nên để Hội đồng nhân dân địa phương quyết định cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho rằng, về xử lý thu chi ngân sách, cần quy định cụ thể thời gian chuyển nguồn ngân sách năm trước sang năm sau, tránh việc chuyển nguồn quá muộn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.