Khi có thông tin Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng lên hàng hoá nhập khẩu, khách hàng đã yêu cầu doanh nghiệp dệt may Việt Nam hoàn tất đơn hàng trong vòng 90 ngày tới.
Tin từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngay khi thông tin tạm dừng áp thuế đối ứng được Hoa Kỳ công bố vào ngày 10-4, khách hàng đã thúc doanh nghiệp dệt may đẩy tiến độ sản xuất và giao hàng, hoàn tất đơn hàng trong vòng 90 ngày tới.
Trước diễn biến của thị trường, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã chủ động xây dựng giải pháp ứng phó trong ngắn và dài hạn, tập trung vào đàm phán với khách hàng trên tinh thần cùng chia sẻ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất các đơn hàng đã ký trong quý II…
Lãnh đạo Vinatex nhận định, nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may tại thị trường Mỹ có thể sẽ không sụt giảm mạnh do tồn kho đã trở về mức thấp và kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực hơn về chính sách thuế quan.
Tuy nhiên, ngành cũng dự phòng trường hợp hàng dệt may Trung Quốc không xuất khẩu vào Mỹ do thuế cao sẽ chuyển sang các thị trường lớn khác, như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả thị trường nội địa Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường, thị trường biến động, thuế suất cao không phải là điều mới xảy ra với dệt may Việt Nam.
Các đơn vị thuộc Vinatex đã kích hoạt cơ chế phối hợp chặt chẽ như giai đoạn dịch Covid-19, đồng thời dự phòng cho kịch bản thị trường xấu nhất.
Công đoàn ngành Dệt may Việt Nam phát động Tháng Công nhân năm 2025 với tinh thần thúc đẩy khí thế lao động sản xuất, tối đa hóa sản lượng, với 90 ngày làm việc thần tốc. Các đơn vị nỗ lực cao độ, quyết tâm về đích các đơn hàng của quý II trong 90 ngày (trước ngày 5-7).
Tập đoàn cũng chủ trì tìm hiểu chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, ưu tiên sử dụng nguồn vải của các doanh nghiệp trong hệ thống Tập đoàn, hỗ trợ doanh nghiệp phân loại từng mặt hàng, thị trường để có cơ sở đàm phán với khách hàng và tìm kiếm hướng đi phù hợp trong thời gian tới.
Tập đoàn cũng tập trung minh bạch về quy tắc xuất xứ cũng như tuân thủ các quy định về chống gian lận thương mại; định hướng doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường để tránh phụ thuộc.
Tập đoàn duy trì chuỗi hội thảo thị trường định kỳ từng tuần, cập nhật tin tức qua các kênh khác nhau để nắm bắt tình hình và chỉ đạo linh hoạt.
Quý I-2025, doanh thu hợp nhất của Vinatex ước đạt 4.417 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 271 tỷ đồng, tăng 165,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Hầu hết các đơn vị ngành sợi có đơn hàng đến tháng 5-2025. Tuy nhiên, từ tuần cuối tháng 2-2025 đến nay, thị trường sợi giảm cả về giá và nhu cầu trước những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, trong khi giá bông liên tục giảm sâu. Hầu hết các đơn hàng sợi đang có xu hướng chốt theo nhu cầu sử dụng, yêu cầu giao hàng nhanh, không mua dự trữ, tồn kho, giá bán theo sát biến động thị trường.
Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành may đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II-2025 và đang thương thảo cho quý III-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.