Ẩn mình trong con ngõ nhỏ của làng cổ Yên Thái, ngôi đình cổ Yên Thái vừa được “đánh thức” bởi những tác phẩm tranh lụa mềm mại và tinh tế của triển lãm nghệ thuật đương đại “Sắc lụa”.
Sự kết hợp giữa không gian di sản và nghệ thuật sáng tạo không chỉ gợi lại hào quang một thời của nghề dệt lụa ở Thăng Long xưa mà còn mở ra một hướng đi mới trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Điểm “chạm” giữa truyền thống và hiện đại
Nằm giữa ngõ Tạm Thương và phố Yên Thái (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đình Yên Thái được biết đến là nơi thờ Hoàng thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan, người không chỉ hai lần nhiếp chính, giúp vua đánh thắng giặc mà còn được nhân dân tôn làm Thành hoàng của làng Yên Thái xưa. Nguyên phi Ỷ Lan từng sinh sống tại ngôi làng này và đã dạy cho các cung nhân cùng dân làng nghề dệt lụa nổi tiếng kinh thành Thăng Long xưa.
Vừa qua, Đảng ủy - UBND - Ủy ban MTTQ phường Hàng Gai đã tổ chức Lễ hội kỷ niệm 981 năm ngày sinh của Hoàng thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan và kỷ niệm 30 năm đình Yên Thái được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ hội, tại đình Yên Thái đã diễn ra triển lãm “Sắc lụa” với sự tham gia của 8 nghệ sĩ trưng bày gần 20 tác phẩm tranh lụa và sắp đặt ánh sáng độc đáo. Đây cũng là hoạt động nằm trong dự án “Chuyện đình trong phố” do Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ trẻ phối hợp với quận Hoàn Kiếm thực hiện từ năm 2024 đến nay.
Dưới bàn tay của các nghệ sĩ đương đại, đình Yên Thái đã trở thành điểm đến sáng tạo nghệ thuật mới của Thủ đô. Không gian cổ kính, mái ngói rêu phong, cột kèo gỗ lim lại một lần nữa vang vọng những câu chuyện xưa cũ qua ngôn ngữ nghệ thuật thị giác. Người xem không khỏi ngỡ ngàng trước một không gian thi vị được tạo nên bởi những tấm lụa mềm mại, tranh thêu tay và tác phẩm sắp đặt ánh sáng. Triển lãm “Sắc lụa” không chỉ là một cuộc trưng bày, mà còn là hành trình khám phá, nối dài mạch sáng tạo với nền tảng văn hóa truyền thống.
“Cuộc đối thoại” giữa nghệ sĩ với truyền thống
Là một trong những nghệ sĩ trẻ gắn bó với dự án “Đình trong phố”, nữ họa sĩ Trần Thị Hội mang tới triển lãm “Sắc lụa” hai nhóm tác phẩm gồm bộ tranh lụa và tác phẩm sắp đặt mang tên “Duyên”. Tác phẩm tranh lụa khắc họa cuộc đời Nguyên phi Ỷ Lan được nữ họa sĩ sử dụng kỹ thuật vẽ truyền thống trên lụa, sau đó bồi trên giấy dó thủ công bằng hồ nếp và bột gạo.
Khác với cách vẽ lụa quen thuộc của Việt Nam, Hội lựa chọn lối tạo hình mang tinh thần tranh in Ukiyo-e của Nhật Bản: Các mảng màu phẳng, rõ ràng, đường nét sắc sảo, không dùng thủ pháp đánh bóng hay tạo khối mà nhấn vào cấu trúc hình học và biểu cảm đường nét. Chính sự giao thoa ấy đã khiến tranh lụa của chị có nét cổ điển, gần gũi với mỹ cảm Đông Dương đầu thế kỷ XX nhưng vẫn giữ được hơi thở tạo hình hiện đại.
Tác phẩm sắp đặt “Duyên” được đặt trang trọng tại gian chính đình Yên Thái, sử dụng lụa dệt thủ công từ Bảo Lộc (Lâm Đồng), nhuộm màu bằng kỹ thuật truyền thống do chính chị thực hiện. Các dải lụa mềm mại vừa tôn vinh vẻ đẹp nữ tính, vừa kết nối với tín ngưỡng thờ Mẫu. Phía dưới các bức tranh là lớp “chân lụa” - tượng trưng cho con đường tơ lụa từ chiếc kén đến tấm vải hoàn thiện, được phối năm màu đại diện cho ngũ hành, thể hiện tư duy tạo hình vừa duy cảm, vừa gắn bó chặt chẽ với triết lý văn hóa phương Đông.
Nghệ sĩ Vũ Xuân Đông - người đã có nhiều năm thực hành nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật đương đại, cũng mang đến triển lãm lần này hai cụm tác phẩm, trong đó gây ấn tượng mạnh là tác phẩm sắp đặt “Giếng cổ nuôi vua”.
Tương truyền, Nguyên phi Ỷ Lan từng dùng nước từ chiếc giếng này để nuôi dưỡng hoàng tử Càn Đức, sau trở thành vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128). Nghệ sĩ đã tái hiện hình ảnh Nguyên phi Ỷ Lan bế hoàng tử trên tay, vây quanh là các họa tiết mây thời Lý - một trong những biểu tượng nghệ thuật cổ điển của Việt Nam, để khơi dậy mạch cảm xúc về tình mẫu tử và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Điều khiến tác phẩm trở nên đặc biệt không chỉ nằm ở nội dung mà còn ở chất liệu sắt - vật liệu hiện đại và có phần thô ráp, nhưng được xử lý bằng loại sơn đặc biệt do chính nghệ sĩ sáng chế, tạo bề mặt như gốm, đất, giúp “mềm hóa” tác phẩm trong không gian linh thiêng của ngôi đình cổ.
Cụm tác phẩm thứ hai của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông là một bộ đèn lụa có tên “Ngàn năm tơ óng”. Với kỹ thuật kết hợp giữa lụa, giấy dó và ánh sáng, tác phẩm gợi liên tưởng đến nghề dệt cổ truyền và những dòng chảy mềm mại của “đường tơ”. Nghệ sĩ Vũ Xuân Đông cho biết: “Mỗi tác phẩm là một lần thể nghiệm. Và tôi đang tiếp tục phát triển bộ đèn này thành một chuỗi gồm nhiều chiếc. Mỗi chiếc mang một câu chuyện riêng gắn với chủ đề tơ lụa - nghề truyền thống của người Hà Nội”.
Các tác phẩm tại triển lãm “Sắc lụa” đều cho thấy một tinh thần đối thoại nghiêm túc giữa nghệ thuật đương đại và di sản truyền thống, không chỉ là sự “đặt để” hình thức mà còn là sự hòa nhập về tinh thần, chất liệu và chiều sâu tư tưởng.
Nối dài “bản đồ nghệ thuật” trong lòng phố cổ
Chia sẻ về triển lãm, Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Chúng tôi không chỉ kể một câu chuyện về dệt lụa, mà còn đặt trọng tâm vào sáng tác tại chỗ, nơi các họa sĩ tự do khai mở ngôn ngữ biểu đạt của mình qua chất liệu truyền thống. Sự biến ảo trong sáng tạo, trong cách thể hiện, kỹ thuật vẽ trên nền lụa đã tạo nên bức tranh đa sắc về nghệ thuật Việt Nam đương đại”.
Theo Giám tuyển Thế Sơn, việc chọn đình Yên Thái - một không gian gắn bó với nghề dệt lụa truyền thống làm nơi tổ chức triển lãm không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn tạo điều kiện để nghệ thuật đương đại có cơ hội tương tác sâu sắc với di sản.
“Chúng tôi mong muốn biến nơi đây thành điểm tựa để phát triển chuỗi hoạt động nghệ thuật lâu dài, vừa bảo tồn chất liệu truyền thống, vừa thúc đẩy các sáng tạo đương đại. Triển lãm không dừng lại ở nghệ thuật, mà còn mang trong mình giá trị giáo dục, lịch sử, thẩm mỹ, đặc biệt đối với nghệ sĩ trẻ và học sinh” - họa sĩ Thế Sơn nhấn mạnh.
Với Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh, dự án “Chuyện đình trong phố” không đơn thuần là hoạt động trưng bày nghệ thuật, mà là một chiến lược văn hóa dài hạn nhằm phục hồi vai trò cộng đồng và khơi dậy giá trị di sản của các ngôi đình cổ giữa lòng Thủ đô.
“Xưa nay, đình làng vốn là không gian tâm linh, nơi người dân chỉ lui tới vào dịp lễ bái hoặc họp bàn việc làng. Theo thời gian, vai trò cộng đồng ấy dần mai một. Các ngôi đình bị che khuất bởi các công trình cao tầng, khiến giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật gần như bị lãng quên” - ông Linh chia sẻ. Vì vậy, việc đưa nghệ thuật vào không gian đình là một cách “đánh thức” ký ức di sản bằng sức sống mới mẻ, sáng tạo của nghệ thuật đương đại.
Phường Hàng Gai cũng đang hướng tới mô hình nghệ sĩ lưu trú nhằm khuyến khích các nghệ sĩ trẻ đem nghệ thuật đến với các không gian di sản và lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến với cộng đồng. “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch kêu gọi tài trợ, phối hợp với các công ty lữ hành, đơn vị du lịch để hình thành các tour gắn với “Chuyện đình trong phố”, qua đó, vừa lan tỏa giá trị văn hóa, vừa tạo nguồn kinh phí để phát triển” - ông Linh chia sẻ.
Các nghệ sĩ và quận Hoàn Kiếm cũng ấp ủ nhiều dự án tiếp nối: Từ việc mở xưởng nghệ sĩ tại các đình cổ như đình Hà Vĩ, đình Cổ Vũ, cho đến các buổi giao lưu, trình diễn nghệ thuật tương tác với cộng đồng.
Triển lãm “Sắc lụa” không chỉ “thắp sáng” lại nghề xưa, mà còn góp phần định hình một mô hình phát triển văn hóa bền vững, nơi mỗi di tích, mỗi chất liệu truyền thống đều có thể là chất xúc tác cho sự đổi mới và sáng tạo. Trong mạch nguồn ấy, Hà Nội đang từng bước vẽ nên diện mạo mới - một đô thị sáng tạo, nhân văn và giàu bản sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.