Chính sách áp thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ là động thái chưa từng có tiền lệ, được kỳ vọng có thể mang lại nhiều lợi ích cho Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng nhận được nhiều cảnh báo tiêu cực bởi chính sách này sẽ gây ra những hệ lụy nặng nề và làn sóng phản ứng toàn cầu… Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có những phản ứng chính sách chủ động và linh hoạt.
Phản ứng chính sách linh hoạt
Việc Việt Nam là nước chịu mức thuế đối ứng cao tới 46% gây áp lực lớn và lo lắng cho cộng đồng xuất khẩu, nhất là 5 nhóm ngành chính đang chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2024, là điện tử; dệt may, da giày; gỗ và sản phẩm từ gỗ; nông, thủy, hải sản; thép và nhôm.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng; đồng thời, có thể một số các doanh nghiệp FDI (đặc biệt từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc) xem xét lại chiến lược đầu tư tại Việt Nam…
Theo Bộ Công Thương, diện thuế áp dụng rộng với mức 46% sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế, có thể làm sụt giảm từ 30-40 tỷ USD đối với 16 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm khoảng 91-92% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ và khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam giảm sút. Bên cạnh đó, các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ trở nên gay gắt và phức tạp hơn.
Ngoài ra, việc giảm xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể gây áp lực về giảm xuất siêu, giảm nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu và gia tăng áp lực lên tỷ giá, việc làm, thu nhập và an sinh xã hội trong thời gian trước mắt… Điều này phụ thuộc vào khả năng đàm phán, kích thích tiêu dùng nội địa và đầu tư công, cùng khả năng phản ứng chính sách và phản ứng thị trường linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ và doanh nghiệp.
Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế mới, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ, ban, ngành để đánh giá tình hình và thảo luận tìm ra giải pháp trước mắt. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh để lắng nghe các ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động ứng phó, giảm thiểu tác động và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh nội địa hóa và mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu, kiên định mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 8% trở lên vào năm 2025.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, trong đó đưa ra thông điệp: Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ về 0%, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để Việt Nam mua hàng hóa của Hoa Kỳ theo nhu cầu; đồng thời tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam cũng đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Tăng nội lực và năng lực cạnh tranh
Trước mắt, cùng với việc tiếp tục tạo ra cơ chế ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng nội lực và năng lực cạnh tranh, Chính phủ cần chủ động thúc đẩy đàm phán song phương với chính quyền Hoa Kỳ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam; đề nghị Hoa Kỳ bổ sung thêm các sản phẩm chưa tính đến trong công thức tính thuế đối ứng, như: Sản phẩm trí tuệ, sản phẩm số, dịch vụ trực tuyến, dịch vụ giải trí và dịch vụ học tập, du lịch, y tế...; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sang Hoa Kỳ; tăng khả năng cung cấp các mặt hàng mà Hoa Kỳ cần và thúc đẩy tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ để sớm cải thiện cán cân thương mại, do đó, tạo động lực cải thiện giảm thuế đối xứng với Hoa Kỳ.
Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần chủ động và kịp thời nắm chắc tình hình, giữ bản lĩnh, sự sáng suốt, sáng tạo, khôn khéo trong điều hành, quản lý; kiên định, kiên trì về những nguyên tắc cơ bản; bảo vệ nền kinh tế độc lập tự chủ, nhưng tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả.
Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững; xanh; số hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế tuần hoàn; tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tập trung vào thị trường tiềm năng... phấn đấu giữ mục tiêu tăng trưởng của năm nay là 8% trong năm nay và 2 con số những năm tiếp theo.
Cộng đồng doanh nghiệp cần bình tĩnh, chủ động nắm tình hình, đánh giá tác động và xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt; sớm làm quen và chuyển từ trạng thái "thuế nhập khẩu nguyên liệu cao" sang "thuế nhập khẩu thành phẩm cao"; vừa tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, vừa chuyển đổi mạnh sang sản xuất FOB (chủ động nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm) để các khách hàng cùng chia sẻ về thuế, đẩy mạnh việc khai thác các thị trường tiềm năng thông qua 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia và đa dạng hóa thị trường để tăng cường xuất khẩu…
Đại sứ Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ:
Nỗ lực tạo ra một thông điệp mạnh mẽ
Mức thuế đối ứng Hoa Kỳ công bố áp với hàng hóa Việt Nam rất cao (46%) và thời hạn để áp dụng lại rất ngắn, khiến các doanh nghiệp Việt Nam không có thời gian chuẩn bị.
Để ứng phó, Việt Nam đã chủ động trong việc tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại, thương lượng và đưa ra các cam kết cụ thể để bảo vệ lợi ích của mình. Việt Nam đang nỗ lực tạo ra một thông điệp mạnh mẽ để Tổng thống Donald Trump có thể xem xét, bao gồm: Đề xuất giảm thuế quan với hàng hóa của Hoa Kỳ về 0%, đề xuất hoãn hoặc lùi thời gian áp dụng các biện pháp thuế quan cũng như đưa ra các cam kết và chào hàng hấp dẫn, như mua hàng Hoa Kỳ, giải quyết các rào cản thương mại.
Các cam kết và chào hàng của Việt Nam cần phải là những thứ "sờ được, thấy được và đo đếm được", phù hợp với những ưu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường:
Bình tĩnh tìm giải pháp
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2024 đạt khoảng 16,2 tỷ USD, là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 3 vào Hoa Kỳ.
Chúng ta cần bình tĩnh, chủ động để chuẩn bị cho các giải pháp ứng phó với chính sách áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Để có cơ sở thương thảo trong việc giảm thâm hụt cán cân thương mại, chúng ta tăng cường mua những sản phẩm phía Hoa Kỳ có thể sản xuất được như tăng tỷ lệ mua bông từ Hoa Kỳ… Đây sẽ là minh chứng giúp chúng ta có thể có vị thế tốt hơn khi thương lượng về thuế quan giữa hai nước.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với nội lực, năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam, với bước đầu về mức thuế quan giữa các quốc gia, tuy là rất cao, rất sốc nhưng khoảng cách phải tăng giữa Việt Nam và các nước không quá xa và chúng ta không mất đi lợi thế cạnh tranh tương đối đối với lĩnh vực dệt may.
Chúng tôi hy vọng dù tổng cầu thế giới có giảm, chúng ta không đạt được tốc độ tăng trưởng cao như quý I vừa qua, nhưng để rơi vào suy giảm sâu có lẽ sẽ khó xảy ra.
Cố vấn Viện Doanh trí Nguyễn Tất Thịnh:
Cơ hội tái cấu trúc thị trường, sản phẩm
Biểu suất thuế quan do Tổng thống Donald Trump vừa ký ban hành với 180 nước là “đòn” kinh tế - địa chính trị tất yếu phải tới do những vấn đề toàn cầu tích lũy. Các hoạt động đàm phán của Việt Nam hiện rất tích cực khi chúng ta không gây thêm sự đối kháng, đề cao lợi ích quốc gia, hướng tới hòa bình, cân bằng và hiệu quả.
Với các doanh nghiệp Việt Nam, cần có cách nhìn rất thực tế là nếu đưa hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ về mức thuế quan bằng 0, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ. Vì hàng hóa Hoa Kỳ đa phần là công nghệ cao. Khi tỷ trọng công nghệ từ hàng hóa nhập khẩu nhiều sẽ giúp nền kinh tế trong nước cất cánh. Đó là thực tế đã được chứng minh với một số quốc gia trên thế giới.
Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp cần giữ tâm thế bình tĩnh, không đối kháng mà phải chủ động đối ứng. Đây là cơ hội để nhìn lại nội lực, tái cấu trúc thị trường và sản phẩm.
Hoa Kỳ không phải là thị trường nuôi sống nền kinh tế Việt Nam. Thị trường gần hơn như các nước trong khối ASEAN với gần 600 triệu dân; hay những thị trường có nhiều tiềm năng tại Nam Á, Pakistan... Ấn Độ với 1,5 tỷ dân cũng là thị trường phong phú về tiêu dùng và được đánh giá khá “dễ tính”, là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Trong khó khăn, cần nhìn nhận lại thị trường nội địa với 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng lớn mạnh và phong phú. Các sản phẩm dệt may, xe đạp, linh kiện, đồ gia dụng, hạt điều, cà phê… đều có sức tiêu thụ tốt.
Bảo Hân - Thanh Hiền ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.