Vừa ra mắt khán giả, bộ phim điện ảnh “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ góc nhìn chân thực về chiến tranh và thông điệp nhân văn sâu sắc. Không ồn ào, không hoành tráng, phim như một lát cắt nhỏ nhưng đầy cảm xúc, khắc họa một phần lịch sử đau thương mà oanh liệt của dân tộc.
Chuyện về những người “sống trong lòng đất”
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” không đi theo lối mòn của nhiều phim chiến tranh trước đó. Là phim chiến tranh nhưng trong phim không có những trận đánh quy mô lớn, không kỹ xảo điện ảnh hoành tráng, không nhân vật anh hùng "giải cứu thế giới". Bộ phim dẫn dắt người xem vào không gian ngột ngạt dưới lòng đất - nơi 21 chiến sĩ du kích dưới sự chỉ huy của Bảy Theo (Thái Hòa đóng) làm nhiệm vụ bảo vệ trạm điện đài tối mật. Đây là nơi tiếp nhận và truyền tin tình báo từ nội đô Sài Gòn ra chiến khu - một nhiệm vụ sống còn trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Khung cảnh trong phim hầu hết là những gam màu tối, gợi đúng không khí tăm tối của địa đạo Củ Chi - nơi ban ngày du kích phải ẩn mình dưới lòng đất để tránh các trận càn của lính Mỹ, chỉ trồi lên hoạt động khi đêm xuống. Nhưng chính trong bóng tối ấy, “mặt trời” của lòng quả cảm, tinh thần kỷ luật và tình người vẫn sáng rực rỡ.
Không tập trung khắc họa một cá nhân anh hùng cụ thể, phim tôn vinh sức mạnh tập thể - nơi mỗi chiến sĩ đều ý thức rõ ràng rằng mình có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng vẫn bình thản, kỷ luật và kiên cường. Những câu thoại ngắn, mộc mạc, mang đậm tinh thần nông dân - chiến sĩ, cộng với lối diễn xuất tự nhiên, có chiều sâu của dàn diễn viên đã truyền tải được cái “chất” rất thật của những con người đang sống giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.
Phim mang đến một thông điệp mạnh mẽ: Chiến tranh tàn khốc cũng không thể hủy diệt được lòng yêu nước, phẩm chất anh hùng, khát vọng sống của người Việt Nam. Câu thoại của nhân vật chú Sáu trong phim, khi đối mặt với lính Mỹ, nhắc lại lịch sử trận chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội năm 1946 khi 13.000 lính Pháp có xe tăng, máy bay không thể đánh bại hơn 10.000 chiến sĩ Việt Minh chỉ có hơn 2.000 súng càng khiến giá trị lịch sử trong phim thêm sâu sắc.
Chất nhân văn trong phim được thể hiện một cách tinh tế mà mộc mạc thông qua những chi tiết như Bảy Theo chấp nhận cưới nữ du kích mà không hề suy tính để bảo vệ danh dự cho người thuộc cấp, hay cảnh Tư Đạp và Ba Hương tha mạng cho tên lính Mỹ dù hắn đã gây ra cái chết cho nhiều đồng đội của họ… Đó là những chi tiết khiến khán giả lặng người. Bởi giữa khói lửa, hận thù, cái chết rình rập từng giây, lòng trắc ẩn, sự cảm hóa kẻ thù vẫn tồn tại - đó mới là thắng lợi lớn nhất của con người trước sự tàn khốc của chiến tranh.
Dù là phim điện ảnh nhưng “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” cũng mang dáng dấp phim tài liệu, tăng tính chân thực cho câu chuyện được kể lại trong phim khi có sự xuất hiện của các cựu du kích thật sự từng chiến đấu tại địa đạo Củ Chi trong phần cuối phim. Trong đó, xuất hiện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực là nguyên mẫu của vai Tư Đạp. Tổ điện đài trong phim cũng khiến nhiều người nhận ra đó là căn cứ của cụm tình báo H63 huyền thoại đóng tại Củ Chi trong chiến tranh chống Mỹ…
Dòng phim chiến tranh cách mạng vẫn hấp dẫn
Với cách tiếp cận điện ảnh giản dị nhưng đầy tinh tế, bộ phim không chỉ ghi dấu trong lòng khán giả mà còn mở ra nhiều kỳ vọng cho dòng phim lịch sử Việt Nam. Đã đến lúc những câu chuyện hào hùng nhưng rất đỗi đời thường như “Địa đạo” cần được tiếp tục kể lại - không chỉ để nhớ, mà còn để hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình hôm nay.
Lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam là kho tàng phong phú với vô số câu chuyện hào hùng, xúc động và giàu chất điện ảnh. Từ những trận đánh nổi tiếng như Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị, đường Trường Sơn huyền thoại, đến những mảnh đời bình dị trong chiến tranh - mỗi lát cắt đều có thể trở thành những thước phim giá trị, góp phần truyền cảm hứng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong các thế hệ người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ.
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là minh chứng rõ ràng cho thấy: Khi được đầu tư nghiêm túc, kể chuyện tinh tế, thì phim lịch sử không hề khô khan mà có thể chạm tới cảm xúc người xem. Việc bộ phim thu được 18 tỷ đồng ở suất chiếu sớm và 30 tỷ đồng ngay trong ngày đầu phát hành chính thức, cùng với số lượng suất chiếu áp đảo ở các phòng chiếu tuần này chính là minh chứng. Trên mạng xã hội, hàng nghìn đánh giá (review) của cả những khán giả rất trẻ cho thấy bộ phim đã chạm tới đông đảo người xem, chứ không chỉ những người quan tâm tới dòng phim chiến tranh.
Trong buổi ra mắt phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tâm sự: “Ước nguyện của chúng tôi là thực hiện một bộ phim hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và có thể chiếu cho càng nhiều người xem càng tốt để ai cũng cảm nhận được cha ông chúng ta rất biết cách chiến đấu và có thể chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào dù mạnh đến đâu”. Và có thể nói, ước nguyện ấy đã được hiện thực hóa với “Địa đạo” bởi chính sức hấp dẫn của bộ phim.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.