Việc Hoa Kỳ thông báo hoãn áp thuế đối ứng với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam có thêm thời gian đàm phán. Song Việt Nam cũng cần những luận điểm có sức thuyết phục trong đàm phán đề bảo đảm tính công bằng.
Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương).
-Ông đánh giá thế nào về việc Hoa Kỳ thông báo hoãn áp thuế đối ứng với các quốc gia, trong đó có Việt Nam để tiến hành đàm phán?
-Tôi không ngạc nhiên trước việc Hoa Kỳ thông báo hoãn áp thuế đối ứng với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hôm 2-4, khi Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng với hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, tôi đã dự báo Hoa Kỳ sẽ sớm có bước đi này để tiến tới đàm phán với các bên.
Điều làm tôi hơi ngạc nhiên ở đây là Hoa Kỳ tiến tới đàm phán ngay sau ngày chính sách đối ứng có hiệu lực (ngày 9-4). Điều đó cho thấy cách làm việc có nhiều thay đổi theo hướng rất nhanh.
Vậy tại sao có diễn biến rất nhanh này? Theo tôi, thực chất đây là một nước đi trên bàn cờ. Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết định áp thuế rất nhanh và rất mạnh, thậm chí là khốc liệt nhằm đạt được mục tiêu bước đầu là để các nước bị áp thuế phải đàm phán với Hoa Kỳ nhằm giảm thuế và giảm thâm hụt thương mại.
Tuyên bố hoãn áp thuế 90 ngày được đưa ra đúng thời điểm để giữ lợi ích của Hoa Kỳ, tránh đối đầu với sự liên kết có thể có từ các nước bị áp thuế. Và thực tế, hiện có 75 quốc gia đã yêu cầu đàm phán với Hoa Kỳ, trong đó có khoảng 60 quốc gia đã cử đoàn đàm phán đến Hoa Kỳ.
Ngoài Trung Quốc, hiện chưa có quốc gia nào đáp trả việc áp thuế của Hoa Kỳ, trong đó bao gồm cả EU và Canada là hai đối tác khá cứng rắn, trước đó đã tuyên bố sẽ đáp trả thuế quan đi đôi với sẵn sang đàm phán.
-Theo ông tiếp theo Việt Nam cần chuẩn bị những gì để có thể đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ, bảo đảm công bằng thương mại?
-Chúng ta đã có những đối sách phản ứng rất nhanh nhạy và rất am hiểu cách làm việc của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Ngay sau khi Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế đối ứng với hàng hóa của 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, tối 4-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đề nghị hạ thuế xuất – nhập khẩu của hai nước về 0.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế đối ứng ít nhất 45 ngày với Việt Nam để đàm phán, chuẩn bị và chuyển tiếp trạng thái.
Ngày 10-4 (giờ Hà Nội), trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương. Đặc biệt, phía Mỹ cũng yêu cầu tiến hành ngay đàm phán một thỏa thuận thương mại mới.
Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục đàm phán với phía Mỹ về vấn đề thuế quan thời gian tới.
Cùng với các biện pháp ngoại giao, Việt Nam cũng cho thấy thiện chí rõ nét khi cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa thế mạnh của Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu, như nông sản, máy bay, khí hóa lỏng… Và chúng ta đang từng bước hiện thực hóa các cam kết này.
Tuy nhiên theo tôi trong đàm phán với phía Hoa Kỳ sắp tới, Việt Nam nên đưa ra những luận điểm, bằng chứng quan trọng và có sức thuyết phục cao.
Trước hết cần nêu rõ xuất siêu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI, trong đó có các doanh nghiệp của Hoa Kỳ.
Thương mại hàng hóa Việt Nam đạt xuất siêu sang Hoa Kỳ, nhưng về dịch vụ Việt Nam lại nhập siêu từ Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ áp thuế đối ứng rất cao với hàng hóa Việt Nam, Hoa Kỳ chỉ đề cập tới thâm hụt liên quan tới hàng hóa mà chưa đề cập tới thâm hụt dịch vụ với Hoa Kỳ, như trong lĩnh vực giáo dục, du lịch, y tế.
Về giáo dục, hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ, đứng thứ 5 toàn cầu. Chưa kể tại Việt Nam hiện có rất nhiều cơ sở giáo dục các cấp của Hoa Kỳ, đưa nhập siêu dịch vụ giáo dục rất lớn.
Tại Việt Nam có rất nhiều khách sạn, nhà hàng lớn của Hoa Kỳ đang kinh doanh, như khách sạn Marriott, Hilton, Inter Continental…; nhà hàng McDonald’s, Starbucks, KFC, Domino’s Pizza... Ngoài ra, người Việt Nam tới Hoa Kỳ du lịch, chữa bệnh cũng rất nhiều. Tất cả cho thấy, Việt Nam nhập siêu dịch vụ rất lớn từ Hoa Kỳ. Để đảm bảo tính công bằng trong đàm phán, chúng ta cần nêu ra những vấn đề này.
Bên cạnh đó, cần chứng minh Việt Nam không xuất khẩu hộ hàng hóa từ nước khác. Việt Nam nhập khẩu nguồn nguyên, vật liệu lớn với giá hợp lý để phục vụ sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”. Nếu nguyên vật liệu của Mỹ có giá rẻ hơn, Việt Nam sẵn sàng mua hàng. Chưa kể hàng hóa Việt Nam vì thế có đầu vào hợp lý nên giá thành rẻ hơn khi xuất khẩu sang Mỹ mang đến lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ.
-Theo ông Việt Nam cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất, sản phẩm và thị trường ra sao để tránh rủi ro thương mại trong tương lai?
-Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam bị áp thuế đối ứng rất cao là do chúng ta xuất siêu lớn sang Hoa Kỳ. Trên thực tế, Việt Nam xuất siêu lớn do chủ yếu làm gia công xuất khẩu sang các thị trường trong đó có Mỹ. Do đó, thời gian tới chúng ta cần quyết liệt chuyển đổi từ nền kinh tế gia công, lắp ráp để xuất khẩu sang nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, có công nghệ và năng lực cạnh tranh cao, nhân lực có trình độ và năng suất lao động cao…
Chuyển đổi sang nền kinh tế có hàm lượng khoa học, công nghệ và giá trị gia tăng cao là việc khó, cần quá trình dài hạn nhưng chúng ta phải làm ngay và phải làm mạnh hơn nữa. Ngoài ra phải có đầu tư lớn về thời gian, công sức mới có hiệu quả và sản phẩm.
Đa dạng hóa thị trường là việc chúng ta đang làm và cũng cần làm mạnh hơn, chủ động hơn. Hoa Kỳ hiện chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, do đó tính rủi ro rất cao khi thị trường này có biến động. Các thị trường cần tiếp tục được mở rộng là Trung Đông, Nga, châu Phi hay Nam Mỹ…
Việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới là cách để mở thêm thị trường mới song chúng ta cần tập trung khai thác tốt các thị trường đang có.
Điều quan trọng không kém theo tôi là cần phát triển mạnh thị trường nội địa rất tiềm năng với dân số 100 triệu người và thu nhập ngày càng cao.
-Trân trọng cảm ơn ông !
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.