Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng lòng thực hiện

Minh Thúy| 20/05/2019 06:16

(HNM) - Với tinh thần thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng là góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” đã cho thấy tầm nhìn với sự phát triển của xã hội hiện nay.


Là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, Hà Nội đã trải qua rất nhiều khó khăn. Song, với sự vận dụng những giải pháp phù hợp nên công tác này ngày càng có kết quả tốt hơn. Với cách làm bài bản, qua hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay, toàn thành phố đã thành lập mới 640 tổ chức Đảng với 1.694 chi bộ, kết nạp 21.883 đảng viên...

Là một lĩnh vực mới, khó nên trong suốt thời gian thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, thành phố Hà Nội có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với từng loại hình, quy mô, đặc điểm của doanh nghiệp; khảo sát, nắm chắc tình hình doanh nghiệp để phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội...

Nhờ đó, công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của Hà Nội đi vào chiều sâu, thực chất. Tuy vậy, để doanh nghiệp cũng như mỗi người lao động nhận thấy rõ lợi ích của việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, điều quan trọng nhất không phải số lượng mà chính là chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể trong những đơn vị này.

Muốn vậy, những tồn tại hiện nay cần sớm khắc phục như: Một số cấp ủy, người đứng đầu đoàn thể các cấp chưa thật sự quan tâm, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; hoặc mới quan tâm đến việc thành lập mà chưa thật sự chú tâm đến việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể...

Đáng nói, nhiều chủ doanh nghiệp còn hạn chế trong nhận thức, chỉ chú trọng đến sản xuất, kinh doanh... mà chưa thấy được vai trò hạt nhân của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp sẽ giúp người lao động chấp hành tốt hơn kỷ cương, kỷ luật lao động, tiên phong trong phong trào thi đua sản xuất.

Trong cơ cấu nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Do đó, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU cũng chính là triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Với tính chất quan trọng của loại hình doanh nghiệp này, ngày 18-3-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TƯ về “Tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”.

Để việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TƯ và Nghị quyết số 09-NQ/TU hiệu quả hơn, trước hết, cấp ủy các cấp cần sâu sát cơ sở, thậm chí "cầm tay chỉ việc" về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ cấp cơ sở về công tác Đảng, đoàn thể...; nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp để thực hiện tốt hơn chủ trương sâu sắc và ý nghĩa to lớn này.

Bên cạnh đó, phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017, của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội". Đặc biệt, việc phát triển đảng viên phải hướng đến chất lượng, đề cao tính tiên phong, gương mẫu...

Phát triển tổ chức cơ sở Đảng và đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là một yếu tố góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, hơn hết cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp, người lao động hiểu rõ về lợi ích, từ đó đồng lòng thực hiện, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng lòng thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.