7 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho thôi giữ các chức vụ quan trọng do đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay. Việc xử lý nghiêm những đảng viên có vi phạm, dù đó là những lãnh đạo cấp cao, thêm một lần khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong thi hành kỷ luật đảng.
Không có “thẻ bài miễn trừ”
Trung tuần tháng 1-2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đồng ý để đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân.
Hơn 1 năm sau, vào ngày 20-3-2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đến ngày 26-4-2024, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 cũng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác.
Chỉ sau đó ít lâu, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII ngày 16-5-2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng xem xét, cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Như vậy, trong một thời gian ngắn, nhiều lãnh đạo chủ chốt, đang nắm giữ các vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước được xem xét, cho thôi giữ các chức vụ do đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Những sự kiện này đã thêm một lần nữa khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đã được thực thi theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, khẳng định mạnh mẽ quan điểm không có “thẻ bài miễn trừ” trong thi hành kỷ luật đảng.
Quan điểm xử lý nghiêm mọi sai phạm của cán bộ, đảng viên khi để xảy ra sai phạm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã được các địa phương thực hiện nghiêm theo đúng chỉ đạo của Trung ương. Số liệu được Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực công bố tại Phiên họp thứ 26 ngày 14-8-2024 cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh các địa phương đã quyết định đưa 107 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung xử lý.
Các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương đã khởi tố mới 444 vụ án/1.003 bị can về tham nhũng. Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm những vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý, cán bộ lãnh đạo cấp sở, cấp huyện của địa phương, điển hình như: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Thái Bình, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, An Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Nghệ An...
Các cơ quan chức năng đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp để xác minh, truy tìm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 7.750 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 85.520 tỷ đồng.
Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, cuối tháng 9-2024, UBKT Thành ủy Hà Nội cũng đã họp, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 và các đảng viên có liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với gói thầu “Thi công xây dựng cầu đoạn từ trụ 25 đến trụ 47 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2”, do Liên danh Công ty cổ phần Phát triển xây dựng thương mại Thuận An - Công ty cổ phần Cầu 7 Thăng Long thực hiện.
Theo kết luận của UBKT Thành ủy, Đảng ủy Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số đồng chí lãnh đạo Ban Quản lý Dự án, cán bộ, đảng viên của Ban Quản lý Dự án vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu; các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định số 37-QĐ/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 101-QĐ/TƯ, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, đến mức phải thi hành kỷ luật.
UBKT Thành ủy Hà Nội quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo đối với Đảng ủy Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.
Liên quan đến vụ việc này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quyết định thi hành kỷ luật: Cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Phạm Hoàng Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội và đồng chí Đỗ Đình Phan, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã quyết định cho đồng chí Nguyễn Chí Cường thôi giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội; cho đồng chí Phạm Văn Duân thôi giữ chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội.
Xử lý một người để cứu muôn người
Nhận định về việc thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “kiểm tra, giám sát chính là “thanh bảo kiếm” để chữa lành các vết thương, đội ngũ cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh, quyết liệt, thận trọng, công tâm, khách quan trong kiểm tra, xác minh vụ việc khó, có từ lâu, xử lý thấu tình đạt lý và rất nhân văn với tính chất “xử lý một người cứu muôn người”.
Triển khai chỉ đạo của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng đã ban hành những kết luận kỷ luật nghiêm minh với những cán bộ vi phạm kỷ luật đảng. Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011-2025) về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của Thành ủy cho thấy, các cấp ủy Đảng và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 126 tổ chức Đảng và 7.536 đảng viên, trong đó đã khai trừ 536 trường hợp. Nội dung vi phạm của các tổ chức Đảng chủ yếu do buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quy chế làm việc; đối với đảng viên, vi phạm nhiều nhất là việc thực hiện những điều đảng viên không được làm và việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chia sẻ về kết quả triển khai công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức thực hiện kiểm tra đối với 42 tổ chức Đảng và 10 đảng viên; thực hiện giám sát với 11 tổ chức Đảng và 28 đảng viên. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thi hành kỷ luật 11 đảng viên bằng các hình thức: Khiển trách 1 trường hợp, Cách chức 7 trường hợp, Khai trừ 3 trường hợp… Điển hình, trong tháng 3-2024, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 2 quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã Phú Nghĩa, nhiệm kỳ 2020-2025 với Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Nguyễn Văn Doanh; Cảnh cáo Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Văn Phụng do đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn xã.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết, xác định rõ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng, UBKT các cấp trong Đảng bộ quận thường xuyên coi trọng và tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Giai đoạn 2020-2023, UBKT các cấp đã tham mưu giúp cấp ủy kiểm tra đối với 612 lượt tổ chức Đảng và 31 đảng viên, giám sát chuyên đề đối với 185 lượt tổ chức Đảng và 37 đảng viên theo Điều 30 Điều lệ Đảng. UBKT từ quận đến cơ sở cũng đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 5 tổ chức Đảng và 8 đảng viên, trong đó, có 3 đồng chí là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý; kiểm tra 54 lượt tổ chức Đảng, giám sát chuyên đề đối với 85 lượt tổ chức Đảng và 28 đảng viên theo Điều 32 Điều lệ Đảng. Toàn Đảng bộ quận có 41 đảng viên bị thi hành kỷ luật, trong đó có 14 đảng viên bị Khiển trách, 10 đảng viên bị Cảnh cáo, 1 đảng viên bị Cách chức và 16 đảng viên bị Khai trừ. Việc xử lý kỷ luật đã bảo đảm tính công minh, chính xác, kịp thời nên đã không để phát sinh khiếu nại kỷ luật đảng. Thông qua kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đã uốn nắn những lệch lạc; chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, sai phạm; hạn chế tình trạng vi phạm kỷ luật của tổ chức Đảng và đảng viên.
Đánh giá về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cho biết, về cơ bản, đại đa số đảng viên và tổ chức đảng trong Đảng bộ thành phố chấp hành nghiêm kỷ luật đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, chưa chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; một bộ phận đảng viên thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, để xảy ra những sai phạm tại địa phương, đơn vị, tập trung nhiều trong lĩnh vực đất đai, tài chính, dự án đầu tư, trật tự xây dựng đô thị, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc thi hành kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên trong Đảng bộ thành phố cơ bản đã thực hiện đúng phương châm, phương hướng, nguyên tắc, thủ tục, quy trình. Cùng với đó, việc quy định rõ nội dung vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã giúp cấp ủy và UBKT các cấp chủ động thực hiện tốt công tác thi hành kỷ luật; đồng thời, giúp tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nghiêm túc kiểm điểm, nhận ra khuyết điểm, sai phạm, tự nhận hình thức kỷ luật phù hợp và nghiêm túc thực hiện quyết định xử lý của tổ chức đảng có thẩm quyền và có kế hoạch cụ thể để sửa chữa khắc phục. Trong xử lý, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể chính trị đã kết hợp chặt chẽ giữa thi hành kỷ luật đảng với kỷ luật về hành chính, đoàn thể và xử lý pháp luật nhằm góp phần giữ vững sự tôn nghiêm của kỷ luật đảng.
Từ quan điểm xử lý nghiêm minh mọi hành vi sai phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, việc thi hành kỷ luật đảng đã được thực hiện nghiêm theo phương châm, dù đau xót nhưng vẫn phải chặt bỏ “cành sâu mọt” để cứu cả rừng cây, qua đó xây dựng Đảng vững mạnh từ gốc.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.