Để tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi kỷ luật Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành một hệ thống các văn bản pháp lý đầy đủ và toàn diện.
Đây là những căn cứ quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên dễ dàng tự soi, tự sửa trong quá trình thực thi kỷ luật đảng. Những văn bản pháp lý này cũng có tác dụng như “những quy định thép” nhằm ngăn ngừa các hành vi sai phạm, đồng thời, góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Tạo dựng hành lang pháp lý đủ mạnh
Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, UBKT Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 22-QĐ/TƯ, ngày 28-7-2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nhằm thay thế Quy định số 30-QĐ/TƯ, ngày 26-7-2016. Quy định số 22-QĐ/TƯ có nội dung toàn diện, bao quát các nguyên tắc, quan điểm, quy định, cách thức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng với 7 chương, 36 điều. Trong đó, có 2 chương quy định rõ về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Cùng với đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 34-KL/TƯ, ngày 18-4-2022 về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, hướng tới 3 mục tiêu: Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức Đảng và đảng viên để phát huy, nhân rộng; kịp thời phát hiện thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục và xử lý nghiêm khi có vi phạm.
Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TƯ ngày 6-7-2022 về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm. Đáng chú ý, vào ngày 9-5-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định mới ban hành có tính liên thông với các quy định về những điều đảng viên không được làm, về nêu gương, giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, ngăn ngừa sai phạm từ sớm, từ xa.
Nhận xét về việc Trung ương kịp thời ban hành một hệ thống văn bản pháp lý khá toàn diện trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, Tiến sĩ Vũ Ngọc Lương, Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, sau hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhiều cán bộ, tổ chức Đảng đã bị kỷ luật do vi phạm nguyên tắc của Đảng, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm. Những vi phạm đó dẫn tới hàng loạt cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí có người bị xử lý hình sự. Một số cá nhân cũng tự nhận thấy khả năng, uy tín không còn đã chủ động viết đơn xin nghỉ công tác. Thực tế này là điều đau xót, nhưng không thể không làm vì kỷ cương, phép nước, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh với tham nhũng, với những sai phạm của tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai.
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Lương, thực tiễn của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đặt ra đòi hỏi bức thiết về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, qua đó, giúp mỗi cán bộ, đảng viên luôn phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong bối cảnh Đảng ta đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là lựa chọn cấp ủy khóa mới, kể cả cán bộ cấp chiến lược và cán bộ cấp ủy cơ sở. Việc hoàn thiện một hành lang pháp lý toàn diện thông qua hệ thống văn bản pháp lý đủ mạnh về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng sẽ có vai trò định hướng, giúp cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài để đưa vào giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới.
PGS.TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Quốc phòng) lại cho rằng, quy định về việc từ chức, miễn nhiệm được ban hành trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, cương vị lãnh đạo mà nhân dân giao phó.
Trong công tác nhân sự, thời gian qua, với những cán bộ sai phạm, Đảng ta đã xử lý rất nghiêm minh, dù người đó ở vị trí công tác nào. Qua đó, đã đáp ứng được mong mỏi của toàn Đảng, tạo được niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ cũng sẽ giúp sàng lọc cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành. Từ đó, làm cho Đảng ta mạnh hơn, xứng đáng với vai trò là Đảng cầm quyền; đồng thời, bảo vệ, phát huy được sức mạnh của cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Đề cao “Đức trị” và “Pháp trị”
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, nhìn lại kết quả kiểm tra, xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, có thể thấy rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, kể cả các vụ việc tồn đọng, phức tạp, như vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Công ty Phúc Sơn, Công ty Thuận An, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Qua kiểm tra, đã xử lý nhiều tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Kết quả đó đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn rất hiệu quả, nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; không có việc tranh giành, đấu đá nội bộ như các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, bôi nhọ.
Từ thực tiễn triển khai công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng ta nỗ lực thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, có thể khẳng định, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, qua đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Nêu những định hướng quan trọng về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tại bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bộ máy nhà nước được tổ chức khoa học, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Hoạt động công vụ phải bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, thực hiện quyền hạn theo chức trách, thẩm quyền, có sự thanh tra, kiểm tra chặt chẽ. Bên cạnh đó, với đặc điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước được cơ cấu, các vị trí lãnh đạo cấp ủy Đảng tương ứng chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; từ đó, hình thành cơ cấu lãnh đạo chặt chẽ của Đảng đối với hoạt động quản lý nhà nước.
Từ thực tiễn phát triển của đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phải tăng cường đồng thời 2 yếu tố: “Đức trị” và “Pháp trị”. Trong đó, yếu tố “Đức trị” là sự phát huy các ưu điểm, thế mạnh, vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiền phong, nêu gương của cán bộ, đảng viên để dẫn dắt yếu tố “Pháp trị” là việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật.
“Sự thượng tôn pháp luật là biểu hiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân theo pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực mình quản lý, do đó, đảng viên là công chức, viên chức cần tích cực giải quyết công việc theo thẩm quyền và hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ đó làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ mục tiêu tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng.
Tổng Bí thư nêu rõ: Đảng kiểm tra, giám sát để công việc được thực hiện tốt hơn, nghị quyết được thực hiện hiệu quả; bộ máy của Đảng, Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đúng chủ trương, đường lối, đúng người, đúng việc; kịp thời phát hiện nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo; uốn nắn, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc, chệch hướng hoặc ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, phát huy cao độ vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.