(HNM) - Nghề trồng hoa lan những năm gần đây mang lại sự giàu có, xuất hiện nhiều tỷ phú trồng lan trên vùng đất Đông La, huyện Hoài Đức.
Tham quan một mô hình trồng lan ở xã Đông La, huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt |
Mở đầu câu chuyện về nghề trồng lan ở Đông La, ông Nguyễn Hữu Tích, hộ trồng lan lớn nhất Đông La chia sẻ: Nghề trồng lan ở Đông La đã có khoảng 20 năm, khi một số cựu chiến binh giải ngũ mang theo vài nhánh lan rừng từ Trường Sơn về để trồng chơi. Từ chỗ chơi lan như một thú vui, người dân Đông La đã học hỏi, nghiên cứu và phát triển thành nghề trồng lan. Từ một vài nhà, dần dần lan ra cả xóm, cả làng. Không ít người Đông La đã ngược xuôi khắp núi rừng Tây Bắc, Lạng Sơn, Hòa Bình... tìm những giống lan rừng về nuôi cấy và nhân giống để sản xuất.
Đến nay, nghề trồng lan Đông La phát triển mạnh, lan Đông La chu du khắp các tỉnh, thành, xuất ra cả thị trường nước ngoài, với hàng trăm chủng loại lan khác nhau, chủ yếu là các giống lan rừng với nhiều giống quý hiếm như: lan đuôi chồn, lan đuôi sóc, lan đai trâu... Các giống lan này qua bàn tay người Đông La thuần hóa và nhân giống để cung cấp cho thị trường. Anh Hoàng Ngọc Trường, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ thương mại sản xuất hoa lan, cây cảnh Đông La, chủ vườn lan Trường Uyên (thôn Đông Lao) cho biết, muốn chơi lan trước hết phải hiểu lan, nhận biết rõ các loại lan, từ đó nắm được đặc tính của từng loại để chăm sóc. Hoa lan đẹp đến vậy nhưng không phải ai cũng biết chơi và điều khiển cho lan ra hoa đúng dịp tết. "Để có được giỏ đai trâu nở hoa ngày tết, phải điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng và áp dụng kỹ thuật cao".
Hiện anh Trường có những cây lan rừng đã được kỳ công chăm sóc, tạo dáng hàng chục năm tuổi, bán với giá hàng trăm triệu đồng. Với trên 2.000m2, vườn lan nhà anh có vài chục loài lan như: lan hồ điệp, sato và các loại lan rừng như đai trâu, quế lan hương, tam bảo sắc, lan đuôi cáo, lan đuôi sóc... rất quý hiếm. Vườn nhà anh Nguyễn Hữu Nguyên, thôn Đồng Nhân rộng hơn 1.400m2 cũng có nhiều loài lan biến thể như sóc ta hoa đỏ, trằm tím lá viền trắng, đai trâu hoa trắng với giá vài triệu đồng/cây.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông La Nguyễn Hữu Hải Như, nghề trồng lan Đông La đang phát triển rất mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện, thu nhập bình quân từ trồng lan của các hộ có quy mô vừa và lớn từ 80 đến 100 triệu đồng/sào. Đặc biệt, những dịp cuối tuần, cuối năm, ngõ xóm Đông La luôn nhộn nhịp khách tham quan các vườn lan và mua hoa, trong đó có cả khách nước ngoài... Hiện cả xã có trên 60 hộ trồng lan, tạo việc làm cho gần 300 lao động trong xã với mức lương từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng.
Nhiều hộ đã giàu lên từ cây lan và trở thành tỷ phú, như vườn lan gia đình anh Nguyễn Hữu Nguyên thôn Đông La. Vườn của anh lưu giữ nhiều loại lan khác nhau trông rất ấn tượng như cây mai trúc lan rất ít nhà có. Đây là giống lan quý anh tìm mua từ Điện Biên về, có giá bán rất cao. Ngoài ra, vườn của anh còn có gần 100 gốc phi điệp trắng, mỗi gốc giá khoảng 1 triệu đồng. Vườn lan của anh bán rải rác quanh năm, nhưng đắt hàng nhất là vào dịp tết. Có vụ tết anh thu được 300-400 triệu đồng. Một số hộ còn bán những dòng lan biến thể với giá tới 100 USD/cây ở Hà Nội, thậm chí nếu bán ra nước ngoài có thể tới 2.000 USD/cây.
Người Đông La muốn nghề trồng lan vươn xa hơn nữa. Theo Chủ nhiệm HTX Dịch vụ thương mại sản xuất hoa lan, cây cảnh Đông La Hoàng Ngọc Trường, cần có mặt bằng để tạo thành vùng chuyên sản xuất xa khu dân cư, phát triển du lịch sinh vật cảnh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển mô hình nuôi cấy mô công nghiệp. Phó Chủ tịch UBND xã Đông La Nguyễn Hữu Hải Như khẳng định, trong đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND xã Đông La đã quy hoạch 10ha vùng bãi để phát triển hoa cây cảnh và cây ăn quả, trong đó chủ lực là hoa lan. Nếu phát triển có tính định hướng, tạo thị trường ổn định, nghề trồng lan sẽ tạo tiền đề để xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.