(HNM) - Những ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đến thăm, động viên các doanh nghiệp trên địa bàn ra quân sản xuất, kinh doanh đầu năm mới. Điều đó cho thấy các cấp, ngành thành phố Hà Nội luôn mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ổn định, đóng góp nhiều hơn cho thành phố, đồng thời thể hiện cam kết thành phố luôn đồng hành, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Thăm các doanh nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và giao các sở, ngành của thành phố giải quyết trên tinh thần hỗ trợ tối đa doanh nghiệp. Còn Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thì khẳng định, thành phố Hà Nội đồng hành, ủng hộ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, đất đai, xuất nhập khẩu. Trong quá trình hoạt động, nếu có khó khăn, vướng mắc, doanh nghiệp có thể trực tiếp liên hệ Văn phòng UBND thành phố và các sở, ngành liên quan quan tâm giải quyết. Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nhấn mạnh, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như phát triển các khu, cụm công nghiệp, đầu tư hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính…
Thực tế cho thấy, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, lấy doanh nghiệp, người dân là đối tượng phục vụ là mục tiêu không có điểm kết thúc, đã được khẳng định ở chủ trương, chính sách, và cụ thể hóa trong mọi hoạt động của các cấp, ngành thành phố. Trong năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hàng trăm tỷ đồng đã được bố trí cho xúc tiến đầu tư, thương mại, giúp doanh nghiệp chuyển đổi số, đào tạo nhân lực… Hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là nguồn vốn giúp doanh nghiệp kinh doanh; cơ quan chức năng đã đối thoại với hàng trăm nghìn doanh nghiệp để bàn cách tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
Bước sang năm 2023, đương nhiên doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất, kinh doanh tiếp tục ổn định, song cũng thấy, không ít khó khăn, thách thức đang chờ đợi doanh nghiệp. Thị trường xuất khẩu thu hẹp, thiếu đơn hàng. Sức mua của thị trường trong nước chưa như kỳ vọng. Không những vậy, mặt bằng lãi suất đang ở mức cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng; vốn tín dụng khó tiếp cận; áp lực trái phiếu đáo hạn đang là gánh nặng của nhiều doanh nghiệp…
Để giải quyết vấn đề, tất nhiên phải có một chiến lược kinh tế toàn diện bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế. Đó là chính sách tiền tệ linh hoạt, hạ mặt bằng lãi suất, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để tạo nguồn lực cho nền kinh tế… Nhưng điều quan trọng nhất và doanh nghiệp mong mỏi nhất là giải quyết vướng mắc về thủ tục, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Thực tế, vẫn còn thủ tục chồng chéo, vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận cơ hội kinh doanh; vẫn còn rủi ro pháp lý khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư... Vì thế, việc đối thoại, lắng nghe, tham vấn cộng đồng doanh nghiệp là quan trọng, rất cần thiết. Và sự quyết tâm của các cấp, ngành phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch, phương án của đơn vị, bằng trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, người lao động. Kết quả cũng phải được cụ thể hóa bằng số thủ tục cắt giảm; bằng thời gian giải quyết thủ tục; bằng việc cải thiện các chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh, bằng các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh... Đó là tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, là điểm tựa để doanh nghiệp phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.