Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối thoại gỡ vướng chính sách trong đầu tư xây dựng

Dạ Khánh| 26/11/2021 13:02

(HNMO) - Sáng 26-11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp: Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan - Giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành, các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia. Hội thảo còn được kết nối trực tuyến tới các địa phương trên toàn quốc.

Thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn với doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, xây dựng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP cả nước, song thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan còn nhiều khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành, liên quan đến nhiều cơ quan và cấp chính quyền khác nhau.

Bản thân các cơ quan, chính quyền các cấp cũng gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật, có thể đối mặt với rủi ro pháp lý. Công bố báo cáo đánh giá thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường từ kết quả từ khảo sát 10.197 doanh nghiệp có thực hiện xây dựng trên toàn quốc của VCCI năm 2021, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Có 11 thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng dự án. Đây cũng là nhóm thủ tục gây khó khăn hàng đầu đối với các nhà đầu tư.

Theo đó, 50% doanh nghiệp gặp trở ngại liên quan đến các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% liên quan đến thủ tục quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị... Có những doanh nghiệp phải qua 8-9 lần đến cơ quan nhà nước mới hoàn tất thủ tục xin cấp phép xây dựng; thời gian giải quyết trung bình 23-93 ngày... Các doanh nghiệp kỳ vọng các thủ tục này cần được cải cách hơn trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho hay, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cấp phép xây dựng tại Việt Nam đứng thứ 25 thế giới, đang tiệm cận dần thông lệ quốc tế. Song thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan đến dự án lại rất dài (166 ngày, không bao gồm công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, quy hoạch). Ngoài ra, sự hỗ trợ, đồng hành của cán bộ thực thi trên tinh thần hợp tác còn hạn chế...

Để doanh nghiệp sớm hồi phục

Khẳng định công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra và đang ưu tiên thực hiện, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, riêng 10 tháng năm 2021, Bộ đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính...

“Bộ Xây dựng mong nhận được sự đánh giá khách quan, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng để Bộ và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, các doanh nghiệp xây lắp ngoài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong năm 2021 còn trải qua 2 "cơn "bão giá" vật liệu xây dựng, ảnh hưởng nghiệm trọng đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, nhiều nhà thầu đang bị chủ đầu tư nợ, chậm thanh toán... Để tháo gỡ, bên cạnh sửa đổi các bất cập, chồng chéo trong các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị sửa quy định về hợp đồng xây dựng, điều khoản thanh toán. Để đối phó với “bão giá”, các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng cần thực hiện kiểm tra việc công bố giá thực tế của các địa phương, đơn vị... để bảo đảm mặt bằng về giá.

Kiến nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đông đảo người dân, Chủ tịch Tập đoàn Nam Long Nguyễn Xuân Quang đề nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ xây dựng chính sách riêng cho nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ hướng đến khuyến khích xã hội hóa; giảm thuế VAT, triển khai các gói tài chính cho các đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ...

Về phía các địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ kiến nghị Bộ Xây dựng phân cấp mạnh hơn cho các địa phương trong thực hiện thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các dự án nhà ở, khu đô thị; thẩm định các dự án đầu tư xây dựng đối với dự án nhóm A có công trình cấp 2 trở xuống sử dụng vốn ngân sách...

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, thời gian càng trở nên quan trọng, đòi hỏi đẩy mạnh hơn cải cách thủ tục, đầu tư kinh doanh. Trong đó, cần quan tâm ứng dụng công nghệ, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số. Với các thủ tục đòi hỏi sự phối hợp của các bộ, ngành, Bộ Xây dựng nên là đơn vị  tiên phong chủ động rà soát, phối hợp nhằm xây dựng quy trình thống nhất...

Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã tiếp thu các ý kiến, góp ý. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để cùng các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới cũng như trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành lĩnh vực xây dựng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại gỡ vướng chính sách trong đầu tư xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.