(HNM) - Trong môi trường quốc tế cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để phát triển, doanh nghiệp xác định đổi mới công nghệ là nhu cầu tự thân sống còn để tồn tại và phát triển. Đây được xem là chìa khóa, là nhân tố góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.
Tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong các hoạt động KH&CN, hiện nay doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào hai hoạt động chính là nghiên cứu triển khai (R&D) và đổi mới công nghệ. Chi phí bình quân của doanh nghiệp cho hoạt động R&D đã giảm mạnh từ 1,4 tỷ đồng năm 2007 xuống chỉ còn 0,9 tỷ đồng năm 2008. Sau đó, con số này lại tăng vào năm 2009 và năm 2010, lần lượt là 1,2 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu xét trong tổng đầu tư vào KH&CN, thì tỷ trọng đầu tư vào các hoạt động R&D đã giảm mạnh từ 55,3% năm 2007 xuống còn 38,35% vào năm 2010.
Nguyên nhân của việc giảm chi phí này, một phần từ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khiến các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cho các hoạt động R&D để đầu tư nhiều hơn cho việc đổi mới công nghệ. Chi phí bình quân của mỗi doanh nghiệp cho việc đổi mới công nghệ đã không ngừng tăng lên cả về giá trị và tỷ trọng. Năm 2007, bình quân một doanh nghiệp chỉ đầu tư khoảng 712 triệu đồng, chiếm 33% trong tổng mức đầu tư cho KH&CN, đến năm 2010 chi phí này đã tăng lên gấp 3 lần, đạt trên 2 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng mức đầu tư cho KH&CN hằng năm của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp nhờ tăng cường đầu tư cho KH&CN đã giảm đáng kể chi phí, nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm mới đem lại lợi nhuận cao. Tiêu biểu như: Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã dành 20% lợi nhuận trước thuế hằng năm để đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị và dây chuyền sản xuất; tăng cường liên kết với các nhà khoa học để nghiên cứu tạo ra các sản phẩm ưu việt được người tiêu dùng yêu thích. Năm 2012, Rạng Đông đạt doanh số tiêu thụ là 2.208 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2011. Theo ước tính ban đầu, doanh thu trong tháng đầu năm 2013 của đơn vị này đạt khoảng 400 tỷ đồng.
TS Phạm Thị Thu Hằng - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tỷ lệ nguồn vốn của doanh nghiệp trong tổng nguồn vốn đầu tư cho KH&CN không chỉ chiếm đa số mà còn có xu hướng ngày càng tăng lên, từ mức 75,89% năm 2007 lên đến 86,06% vào năm 2010. Trong khi đó, tỷ trọng từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN tại các doanh nghiệp đã ngày càng giảm mạnh. Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các nguồn vốn khác như nguồn vốn từ nước ngoài đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tỷ trọng các nguồn vốn này cũng rất thấp và ngày càng có xu hướng giảm đi. Rõ ràng, để đầu tư cho các hoạt động KH&CN, doanh nghiệp phải dựa chủ yếu vào nguồn vốn và bằng nội lực của mình.
Cần sự hậu thuẫn từ Nhà nước
Mặc dù được coi là đầu tàu, là chủ thể quan trọng trong việc đầu tư và đổi mới công nghệ nhưng tự bản thân doanh nghiệp không thể một mình "tiến công" vào mặt trận này nếu thiếu đi sự hậu thuẫn vững chắc và hiệu quả của Nhà nước, Thạc sĩ Phạm Đình Vũ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định.
Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 cũng đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của đổi mới công nghệ, là người đặt hàng và là chủ đầu tư để đổi mới sản phẩm, đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động này, ngoài sự quyết tâm nỗ lực và khát vọng đổi mới công nghệ từ bản thân các doanh nghiệp thì nhất thiết phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Thạc sĩ Phạm Đình Vũ cho rằng: Giải pháp trước tiên là thay đổi tư duy trong xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ. Chẳng hạn như, cần miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp trong quá trình thử nghiệm ứng dụng công nghệ và giai đoạn đầu của quá trình sản xuất sản phẩm đại trà. Trong quá trình áp dụng những chính sách ưu đãi này, việc áp dụng các tiêu chí nên có sự linh hoạt, không thể lấy những ý tưởng sáng tạo mới "ép" vào khuôn tiêu chí cũ để thực hiện các chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, Nhà nước cần sẵn sàng chia sẻ rủi ro trong nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ tài sản trí tuệ được tạo ra trong quá trình nghiên cứu đổi mới công nghệ. Hệ thống quỹ phát triển KH&CN cũng cần được hoàn thiện. Qũy đổi mới công nghệ phải được thành lập theo hướng thực chất và hiệu quả.
Một yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ là hình thành các thị trường công nghệ hoạt động hiệu quả, phát huy hiệu lực của Luật Sở hữu trí tuệ. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể huy động được nguồn tiền của doanh nghiệp, của các quỹ đầu tư tư nhân vào đổi mới công nghệ, nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.