Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng, lợi thế nổi trội so với các quốc gia trong khu vực, song du lịch Việt Nam vẫn bị bỏ xa cả về lượng khách lẫn doanh thu.
Từ thực tiễn phát triển du lịch những năm qua cho thấy, hạn chế lớn nhất của du lịch Việt Nam là sự thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm thấp, thiếu tính bền vững và khả năng cạnh tranh còn yếu trên thị trường quốc tế. Đã có rất nhiều giải pháp, đề xuất nhằm thúc đẩy du lịch phát triển một cách toàn diện, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng vẫn còn vô số “rào cản” khiến du lịch Việt Nam chưa thể bứt phá như kỳ vọng...
Lợi thế lớn nhưng "làm chưa tới"
Với lợi ích nhiều mặt mà ngành Du lịch mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ngày càng nhiều quốc gia coi trọng phát triển du lịch, xác định đây là động lực cho phát triển kinh tế quốc gia. Sự phát triển nhanh của du lịch và những xu hướng mới xuất hiện đã thúc đẩy sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia trên thế giới trong việc thu hút khách du lịch. Vì vậy, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững du lịch Việt Nam để thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa luôn được quan tâm.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ) cũng xác định rõ, phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tăng trưởng xanh; chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và văn hóa dân tộc; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam... Đó cũng là những việc cụ thể hóa để đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII).
Đánh giá một cách khách quan, du lịch Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh về tài nguyên. Nhiều sản phẩm du lịch mới hình thành, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách. Nhưng, nhìn trên bình diện rộng, các sản phẩm du lịch của Việt Nam vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực, nếu không muốn nói là yếu về khả năng cạnh tranh.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa - lịch sử vô cùng đa dạng, đặc sắc. Đây là yếu tố hấp dẫn trong phát triển du lịch. "Khách nước ngoài đến Việt Nam rất thích thú với sắc thái văn hóa đa dạng mà không phải quốc gia nào cũng có. Đây chính là lợi thế lớn. Nhưng tiếc rằng, ngành Du lịch "làm chưa tới".
Ở góc độ khác, dù được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về du lịch tàu biển nhưng lượng khách đến Việt Nam bằng tàu biển vẫn thấp. Mức thu từ lượng khách này cũng không cao do các hãng tàu biển chỉ chọn Việt Nam là điểm dừng chân chốc lát trong lịch trình dài ngày mà không chọn làm nơi lưu trú.
Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Mr Linh’s Adventure Nguyễn Tuấn Linh cho rằng, Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch bên cạnh việc quảng bá thương hiệu. “Tiềm năng biển là thế mạnh để Việt Nam đột phá về du lịch. Tiếc rằng, cơ sở hạ tầng, giao thông cùng với những chính sách khuyến khích du lịch còn nhiều hạn chế, gây cản trở đối với sự phát triển của du lịch” - ông Linh bày tỏ.
Độ “mở” visa hạn chế
Trong khi sức hấp dẫn của sản phẩm còn yếu thì độ “mở” visa hạn chế là một trong những nguyên nhân gây ra những bất cập trong việc thu hút khách quốc tế. Tổng Giám đốc Công ty Liên Bang Travel Từ Quý Thành cho hay: “Nhiều nước mở visa du lịch không giới hạn để thu hút khách đến, trong khi đó chúng ta lại có quá nhiều quy định chặt chẽ nên chưa thu hút được lượng khách du lịch quốc tế như mong đợi”.
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong chính sách visa cho du khách nước ngoài đến Việt Nam, Giám đốc Công ty du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài đánh giá, việc thắt chặt visa khiến du lịch Việt Nam lại phải “tất tả” đi tìm khách là bất cập lớn.
Đó là chưa kể, quy trình, thủ tục cấp visa cũng còn những mặt chưa phù hợp, cần đổi mới để có thể tạo cảm giác thân thiện, thoải mái cho du khách ngay từ ban đầu. Khó khăn trong chính sách visa cộng với những bất cập về hạ tầng, quá tải sân bay, ùn tắc giao thông càng gây tâm lý e ngại với du khách.
Ngoài ra, cần có các dịch vụ bổ trợ để khách giải trí, thưởng ngoạn nhưng do thiếu các loại hình này nên mức độ chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam khá thấp so với một số nước trong khu vực. Nếu giải quyết được những vấn đề này, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới sẽ ngày càng lớn hơn.
Giải pháp lấp đầy “vùng trũng”
Một trong những giải pháp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam là công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đón khách quốc tế vào Việt Nam (inbound) hiện ngóng đợi một chương trình hành động cấp quốc gia về xúc tiến quảng bá nhằm "phá tảng băng" do dịch Covid-19 gây ra, nhấn mạnh hình ảnh du lịch Việt Nam để khách hàng nhớ đến. Đây cũng là cách mà các nước láng giềng đang đẩy mạnh để thu hút khách.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, ngân sách dành cho quảng bá du lịch của Việt Nam hiện chỉ khoảng 2 triệu USD/năm trong khi Thái Lan trên 200 triệu USD/năm, Malaysia trên 100 triệu USD/năm, Malaysia khoảng 130 triệu USD/năm… Mặc dù Việt Nam đã thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, nhưng hiệu quả hoạt động từ đơn vị này chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh đó là những bất cập do kinh phí thấp, cơ chế phức tạp khiến công tác xúc tiến quảng bá càng khó khăn và chưa tạo ra được những hiệu ứng tiếp thị như mong đợi.
Để cải thiện “vùng trũng” này, ông Vũ Thế Bình cho rằng, cần đẩy mạnh việc giới thiệu sản phẩm và hình ảnh quốc gia đến với du khách quốc tế thông qua các văn phòng xúc tiến ở nước ngoài. “Thái Lan có khoảng 25 văn phòng đại diện ở nước ngoài, Malaysia có 34 văn phòng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có văn phòng du lịch chính thức ở nước ngoài, khiến cho việc nắm bắt cơ hội quảng bá xúc tiến du lịch càng khó khăn hơn...” - ông Bình cho hay.
Nhận định du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh để phát triển sản phẩm du lịch ngang bằng hoặc hơn những quốc gia trong khu vực nhưng hiệu quả và tính cạnh tranh chưa cao, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia) cho rằng, ngành Du lịch cần tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển sản phẩm đồng bộ theo hướng đa dạng, khác biệt. Cần tập trung phát triển mạnh loại hình du lịch biển gắn với hệ thống sản phẩm nghỉ dưỡng, xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và thể thao biển có quy mô và chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tìm hiểu truyền thống văn hóa, lối sống địa phương; phát triển du lịch cộng đồng và du lịch làng nghề kết hợp nghỉ tại nhà dân. Đẩy mạnh cung cấp loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái, khám phá hang động, du lịch núi và nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng các loại hình du lịch mới như du thuyền, caravan, du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch dưỡng bệnh, du lịch chăm sóc sắc đẹp..., qua đó nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Song song với đó, du lịch Việt Nam cần chú trọng phát triển bền vững, trong đó chú trọng tăng cường liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên vùng; đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng tại các trung tâm du lịch và các tuyến điểm du lịch; tiêu chuẩn hóa, tăng cường giám sát và kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; tăng cường bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch tại các khu, điểm du lịch nhằm đưa Việt Nam thực sự trở thành điểm đến du lịch bền vững cả về kinh tế - xã hội, sinh thái, môi trường...
Triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo được sức bật mới cho du lịch Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực, duy trì sự phát triển bền vững để ngày càng tiến xa hơn, qua đó khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.