Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đôi mắt trở về ký ức

Đăng Khoa| 06/12/2020 17:05

(HNMCT) - Đều đều xuất hiện trên khắp các báo, khi thì truyện ngắn, khi thì tản văn, lúc lại thơ, gần đây nhà thơ Bùi Việt Phương mới tập hợp và in thành các tập thơ Ngày lạ (NXB Hội Nhà văn), tập tản văn Nhựa sống (NXB Quân đội Nhân dân) và mới nhất là tập thơ Mắt trong (NXB Hội Nhà văn). Với Mắt trong, độc giả đã thấy một sự trưởng thành vượt bậc của nhà thơ xứ Mường trong lối viết đầy sâu đắm.

Sinh ra và lớn ở Thuận Châu (Sơn La), ngay từ khi còn nhỏ Bùi Việt Phương đã được đắm mình trong dòng chảy văn hóa của vùng đất Tây Bắc. Khi đang học lớp 3, chứng kiến nhiều lần bố mẹ chuyển nhà, nỗi bâng khuâng, nhung nhớ đã đưa anh đến sáng tác đầu tay - bài thơ Nhà cũ với những vần thơ mộc mạc, chân thành, giản dị. Được sự khích lệ từ những người thân, cũng từ ấy, anh luôn cố gắng chăm chú quan sát cuộc sống, thiên nhiên, con người và văn hóa xung quanh để rồi đều đặn sáng tác nhiều tác phẩm.

Là người khá cầu toàn nên dù viết nhiều nhưng anh lại chậm ra sách, thế nhưng ngay tập đầu tay đã mang đến cho anh Giải C, Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019. Đó là những vần thơ mà anh trăn trở về hành trình tìm điều ý nghĩa đối với riêng mình. Sống từng ngày để đi tìm cái lạ, hết ngày này đến ngày khác. Cái lạ ở đây không chỉ là cái kỳ lạ, bất ngờ, lạ ở cái cao cả lạ, bao dung lạ, mất mát lạ, yêu thương lạ và chính bản thân mình bỗng lạ hơn.

Với Bùi Việt Phương, tản văn là nơi anh có thể tung tẩy viết bằng sự liên tưởng. Thông điệp mà anh mang đến trong tập tản văn Nhựa sống là tiềm ẩn trong mỗi con người có một lòng yêu đời tha thiết như dòng nhựa sống tiềm tàng trong cây cỏ. Dẫu gặp lúc nghiệt ngã, éo le, thử thách, buồn đau thì tất cả vẫn được âm thầm cất giữ. Và khi ta nhận ra điều gì đó như mùa xuân đến, tất cả lại bừng lên tha thiết. Nhựa sống là phần tự nhiên và cao cả, thánh thiện và nhân văn trong mỗi con người.

Trong tập thơ Mắt trong, Bùi Việt Phương đã cố gắng tiết chế xúc cảm, anh luôn tìm cách diễn đạt theo sự suy cảm của mình, tránh sự trùng lặp, quen mòn làm mất đi sự liên tưởng của người đọc. Tập thơ là sự chiêm nghiệm về mùa màng, phố, núi rừng và kỷ niệm tình yêu. Bên cạnh đó là tâm sự về những biến động trong cuộc sống như những ngày giãn cách xã hội, khi nhân loại đối mặt với đại dịch Covid-19.

Trong tập thơ này, anh muốn thể hiện một cách diễn đạt mới mẻ về những sự vật, hiện tượng trong sự gắn kết có tính quy luật. Đó có thể là những câu chuyện nhỏ, sâu lắng khiến bạn đọc phải suy tư, là sự mất mát khiến ta trân quý hơn những gì đang có. Tựa đề của cuốn sách là đôi mắt trở về với ký ức của sự trong sáng, sau va vấp con người ta sẽ hiểu được những giá trị sống, thêm trân trọng cuộc sống.

Phần lớn những tác phẩm của Bùi Việt Phương viết về miền núi, nơi đã cho anh “bầu sữa mẹ” mát lành để khơi nguồn dòng chảy cảm xúc dồi dào, bất tận. Anh tâm sự rằng, càng gắn bó, càng hiểu về miền núi thì mình càng suy tư về những gì ấn tượng nhất, đó là hồn vía của vùng đất nơi đây.

Với anh, viết về vẻ đẹp bề ngoài, về cái lạ, cái hùng vĩ, khắc nghiệt của miền núi thì dễ nhưng hiểu được nó đóng vai trò như thế nào trong đời sống, trong tâm hồn con người ở đây thì lại không hề đơn giản. Thông qua những “đứa con tinh thần” của mình, anh mong muốn giúp người dân địa phương thêm tự hào về dân tộc mình, qua đó nâng cao ý thức tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đôi mắt trở về ký ức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.