(HNM) - Sau “Chênh chao tích chèo”, Khúc Hồng Thiện vừa ra mắt bạn đọc tập thơ mới với nhan đề “Cùng nhau nhân từ” (Nhà Xuất bản Văn học - 2018). Vẫn là giọng thơ dung dị, trong trẻo nhưng dường như vốn đời, vốn nghề đã đưa đến cho Khúc Hồng Thiện nhiều khám phá, trải nghiệm, góc nhìn mới mẻ để nhắn nhủ rằng cuộc đời sẽ đẹp hơn khi ta biết nhân từ.
Con đường đến với thơ của Khúc Hồng Thiện song hành với công việc làm báo. Anh đi nhiều và viết nhiều. Bằng tư duy nhạy bén, khả năng quan sát tinh tế và trái tim rung cảm của người nghệ sĩ, tác giả đã dẫn dắt người đọc đến với nhiều vùng đất khác nhau của Tổ quốc, từ miền xuôi lên miền ngược, từ đất liền ra hải đảo, từ thôn quê đến thị thành, bằng những câu thơ sâu lắng, hiền hòa mà phảng phất suy tư.
Có biết bao câu chuyện của thời hiện đại được viết bằng thơ, Khúc Hồng Thiện lựa chọn cho mình những mảng màu trầm lắng để gửi gắm tâm tình: “Biết rằng mất những túp lều/Ấm no khấm khá là điều ước mong/Chỉ e, con hỏi… cánh đồng?/Trả lời có, trả lời không… thế nào?” (À ơi, câu hát). Anh hỏi để rồi lo lắng: “Đời con rồi sẽ thế nào/Khi sông ngưng chảy khi ao lấp rồi/Bao nhiêu rừng trọc hóa đồi/Phù sa và những lở bồi cũng không”.
Vượt qua xúc cảm của cá nhân, tác giả đặt ra vấn đề chẳng phải của riêng ai mà là những bức thiết chung của đời sống, mặt trái của công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đề tài không phải quá lạ lẫm, nhưng Khúc Hồng Thiện vẫn thổi vào đó một hơi thở riêng. Và giữa bộn bề những suy tư, người đọc thấy một dòng cảm xúc chảy ngược về với quá khứ ở “Sóng gió Trường Sa”, “Bâng khuâng Thành cổ” hay “Lục bát đảo chìm”.
Hoài niệm trong thơ Khúc Hồng Thiện không chỉ là sự nâng niu, trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc, mà anh coi đó là nền tảng để lựa chọn thái độ ứng xử và hành động của mỗi người trước những biến động lớn lao của thời cuộc, như: “Sen Tháp Mười lấm lem/Vẫn cảm ơn đồng đất chua phèn/Đó là quê/Mãi vẫn là xứ sở”. Điều gì đã chắp cánh cho Khúc Hồng Thiện viết nên những vần thơ đầy tính nhân văn như vậy?
Đọc bài “Mẹ ta” thì những băn khoăn đó phần nào được khơi mở: “Đồng quang mẹ dẫu chẳng còn/Vẫn nguyên lời dặn cháu con nhân từ”. Chừng đó thôi cũng đủ để người đọc cảm nhận được tâm hồn, triết lý nhân sinh trong sáng, đẹp đẽ đang lớn lên từng ngày ở một nhà thơ trẻ.
Không chỉ đau đáu những nỗi niềm của cuộc sống, ở “Cùng nhau nhân từ” còn có những trang thơ đắm say và khắc khoải về tình yêu. Cách mà Khúc Hồng Thiện nói về tình yêu rất mộc mạc mà tinh tế. Mọi cảm xúc đều được đặt để một cách chân thành, sâu lắng: “Và, bắt gặp một lần em ngước mắt/Khoảnh khắc này làm vuột mất trăm năm”.
Giữa cuộc sống hiện đại, người ta sống vội và yêu cũng vội thì thơ tình của Khúc Hồng Thiện như một dòng nước trong mát chầm chậm chảy để đưa người đọc tìm về với những khoảnh khắc trong sáng nhất của tình yêu: “Và những mùa thương nhớ vẫn qua đây/Vẫn dang dở như thu về xao xác/Vẫn đắm đuối như chưa hề tiếc nuối/Là vẫn còn thương nhớ ở trong nhau”. Sau tất cả những rung động, nhớ thương, tiếc nuối ấy, ta không hề thấy có bóng dáng của oán trách hay hờn giận, chỉ lặng lẽ góp nhặt, nâng niu quá khứ như một phần của cuộc đời mình: “Thương cho cả những điều còn dang dở/Chỉ xin đừng như gió mong manh”.
Nếu nói nghệ thuật là hướng tới cái đẹp, hướng con người đến lối sống nhân văn thì với “Cùng nhau nhân từ”, nhà thơ - nhà báo Khúc Hồng Thiện đã và đang bước những bước đi đúng đắn trên con đường nghệ thuật chân chính. Chúng ta có thể tin tưởng và chờ đợi những thành quả tiếp theo từ tác giả này, góp phần phong phú thêm cho diện mạo thơ ca đương đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.