(HNMO) - Tập tản văn “Loa kèn trắng đợi anh” của tác giả Phạm Thị Diệu Thu không chỉ là những câu chuyện hằng ngày, những sự việc mà mọi người tưởng quá đỗi quen thuộc mà chứa đựng trong đó cả một ý nghĩa nhân văn...
đúng như nhận xét của nhà văn Ma Văn Kháng trong bài giới thiệu về cuốn sách: “Có thể nói tản văn của Diệu Thu là những họa tiết nho nhỏ, xinh xắn, liên hoàn về cuộc sống thường ngày với các cung bậc tâm tình được gửi gắm một cách tinh tế, nhẹ nhàng, sâu xa…”.
“Loa kèn trắng đợi anh” mộc mạc, giản dị mà sâu lắng với những câu chuyện về những tấm lòng cao cả, những câu chuyện thấm đẫm tình người vị tha, rất đời thường mà cũng rất thanh cao, như khơi gợi sự tử tế trong sâu thẳm mỗi con người. Vừa là tản văn, nhưng vừa như nhật ký, cả một tuổi thơ tươi đẹp và êm đềm như cuốn băng quay chậm. Là những câu chuyện trong bệnh viện, với bác sỹ hay những bệnh nhân, thực sự chính là chuyện của cô, một người hay ốm đau và cả nghĩ. Là chuyện gia đình, quá khứ xa xôi lẫn quá khứ rất gần, là ký ức, đôi khi chỉ là ký ức vụn về “mẹ tôi”, “bố tôi”, “bà tôi”, “mẹ chồng tôi”… - những cụm từ được bắt gặp rất nhiều trong tập sách, về những món ăn thân thương do tay mẹ nấu, về những người bạn thời thơ ấu, về Hà Nội thân yêu....
Những thứ ấy tưởng như vụn vặt, nhưng nếu gom, nếu nhặt thì cả đời không hết, chúng cứ nhiều thêm như những năm tháng dài ra sau lưng con người, vì nó là chuyện hôm qua, hôm kia hay của một người nào đó vừa rời khỏi công ty, có dành cả đời để viết có khi cũng không hết. Có những câu chuyện đọc rớt nước mắt, như thân phận những con người có cuộc sống khó khăn, cuộc đời trầm luân, nhưng vô tình hai số phận không may mắn đó như va vào nhau, có lẽ chỉ một lần trong đời. Chính những lúc sự mệt mỏi như cùng cực thì chỉ một hành động cảm thông đơn giản của người lái xe ôm và người vợ chăm con nằm Viện Nhi, chồng Viện Bỏng mang lại nghị lực to lớn cho người phụ nữ vượt qua (“Tình người giữa đêm đông”).
Câu chuyện “Bài học tĩnh tâm” là một ví dụ khác. Một cô công chức mượn thẻ sinh viên hòng giảm học phí lớp yoga, hành động nói dối như tất cả chúng ta mỗi khi vi phạm luật giao thông hay làm gì sai trái. Nhưng những buổi học tĩnh tâm đã làm thức tỉnh cô, không chỉ là sức khỏe cơ thể mà còn là sức khỏe tâm hồn, điều mà không ít người trong chúng ta đang yếu đuối, què cụt, thậm chí tật nguyền.
Về nghệ thuật, tập tản văn thuộc thể lại chuyện rất ngắn, hợp với thời đại, hợp với những người năng động hay bận rộn, hợp với những người không ưa rề rà, những người của hành động và vài chuyện ta lại được đọc 1-2 khổ thơ, đúng với năng khiếu, vừa là thú vui làm thơ vừa là tài sản có sẵn của tác giả. Tự nhiên thấy tập tản văn hay hay, lạ lạ, rất thú vị và không đơn điệu.
Gập trang sách lại, chúng ta tự hỏi có phải nhiều khi chúng ta dễ dãi với chính mình không? Đã từng thất hứa với một người bán hàng bình thường như trong truyện “Lời hứa chiều mưa”, hay cuộc sống ngày nay xô bồ và nghiệt ngã như xui khiến con người ta luôn cảnh giác, nghi ngờ tất cả mọi người như truyện “Tờ bạc 50.000 đồng”? Hay đã từng quên trân trọng những tình cảm giữa mẹ chồng nàng dâu? Hay chợt nhận ra quan hệ hàng xóm, láng giềng giờ cũng lạnh lẽo như những đồng tiền kiếm được? Chợt quên ngày sinh nhật mẹ, hay giật mình bỗng nghĩ tới một ngày hụt hẫng khi không còn bố mẹ để chăm sóc, yêu thương? Để thầm tiếc giá như chỉ cần dành một chút thời gian trong ngày thôi đã là quá quý!
Cuốn sách còn là những trăn trở về quan hệ vợ chồng, có yêu thương, ích kỷ, nhưng tịnh không thấy ghen tuông dù có những dối trá “may mắn” một cách đầy trớ trêu, cắc cớ, cả những quan hệ ngoài luồng, để tự trách mình sao bất hạnh! Là những cấu tứ cố tình tạo nên cuốc xe lúc nửa đêm giữa người con gái chăm chồng và người đàn ông lên thành phố bươn chải không khiến người đọc tự hỏi tại sao? Mà chắc chắn, nhiều người sẽ rơm rớm nước mắt ngay từ những trang đầu tiên của tập tản văn này. Tất cả đều có cấu trúc ngắn gọn, cái kết nhanh, mạnh, để lại một ý nghĩa nhân văn trong “những bài viết ngắn gọn, súc tích và tình người”...
Tác giả Phạm Thị Diệu Thu. |
Dù như tâm sự trong truyện “Những tờ báo không im lặng”, tác giả biết văn hóa đọc giờ khác trước, tâm trí người ta giờ dành cho các mạng xã hội, sách điện tử, chứ “Cơm áo đâu đùa với khách thơ”: “Một tờ báo đến được tay độc giả phải qua biết bao nhiêu “công đoạn”, mất biết bao công sức của bao nhiêu con người, vậy mà, chỉ trong tích tắc, những tờ báo ấy lại trở thành những đống giấy lộn bán cho đồng nát”, nhưng với “Loa kèn trắng đợi anh” của Phạm Thị Diệu Thu, người đọc sẽ muốn lưu giữ tiếp cuốn sách để đọc lại, như nhân vật cô gái trong truyện “Vị khách đặc biệt”.
Có lẽ, bởi đọng lại trong mỗi người khi gấp lại trang sách cuối chính là họ thấy mình cũng có cùng cảm xúc như của một nhân vật trong tập tản văn: “Tôi không tránh khỏi bâng khuâng khi đọc các bài tản văn của em. Cảm giác đó cứ lặp đi lặp lại, dù là lần đọc thứ hai, hay thứ ba cũng vậy. Bởi xuyên suốt trong các câu chuyện là một phát hiện thú vị nào đó về cuộc sống, là sự đấu tranh giằng xé trong nội tâm giữa cái tốt và cái xấu, là nét đẹp của tình người… và luôn khiến người đọc phải giật mình khi nhận thấy rằng quanh quất đâu đây trong cuộc sống xô bồ, tình thương yêu giữa con người với con người vẫn luôn tồn tại, rằng có những cử chỉ rất nhỏ có thể mang lại niềm vui cho người khác mà ta quên bẵng, rằng đôi khi ta cứ mải tìm kiếm niềm vui đâu đâu mà quên mất những người ở ngay bên cạnh…”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.