(HNM) - Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và Moldova vừa phối hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam toàn Ukraine tổ chức Hội thảo
Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội thảo. |
Trong bối cảnh tình hình kinh tế cũng như chính trị - xã hội tại Ukraine có nhiều bất ổn, đồng hryvnia đã mất giá đến 70-80% kể từ khi Nga "sáp nhập" Crimea, kinh tế Ukraine tăng trưởng âm, người dân Ukraine đã giảm chi tiêu tối đa, thắt lưng buộc bụng nên việc kinh doanh của cộng đồng Việt Nam trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Ông Ivan Phạm Văn Bằng, Chủ tịch Hội đồng hương tại Kiev cho biết: "Tình hình kinh doanh, buôn bán của bà con cộng đồng Việt tại thời điểm này là hết sức khó khăn và có nhiều bất lợi. 90% người gốc Việt kinh doanh buôn bán hàng dệt may nhập khẩu, thứ giờ đây trở nên đắt đỏ do đồng nội tệ mất giá nặng. Phần đông bà con giờ đây phải "ăn" vào vốn tích lũy sau nhiều năm sinh sống".
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí nêu bật vai trò quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine trong việc kết nối, đẩy mạnh quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ukraine. Đại sứ cũng đề cập tới sự cần thiết phải tìm ra những phương thức mới, bước đi đúng hướng giúp các doanh nghiệp và cộng đồng Việt Nam tại Ukraine tháo gỡ khó khăn do cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội Ukraine thời gian qua. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt cộng đồng nhanh chóng ổn định làm ăn, kinh doanh thích nghi với hoàn cảnh và điều kiện mới, đặc biệt cần chú trọng củng cố và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp người Việt tại Ukraine với nhau, hợp tác chặt chẽ với chính quyền sở tại, với doanh nghiệp trong nước và với Đại sứ quán.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận định hướng kinh doanh của người Việt tại Ukraine trong thời điểm hiện nay. Ông Phạm Trung Dũng, Giám đốc Công ty Thái Sơn, chuyên nhập khẩu cá tra và thủy hải sản đông lạnh từ Việt Nam cho biết: "Nhập khẩu hàng hóa thời điểm này vào thị trường Ukraine là rất bất lợi do đồng nội tệ mất giá. Tuy nhiên, do chính quyền mới bước đầu đã có hàng loạt cải cách và chống tham nhũng mạnh mẽ nên việc nhập hàng trở nên minh bạch và giảm phí "bôi trơn" một cách đáng kể và chúng tôi đã có lãi". Còn theo ông Hoàng Công Bảo Đàm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp người Việt tại Kiev, thời điểm này là cơ hội thuận lợi cho các xưởng sản xuất hàng hóa tại địa phương do chi phí thấp, chính quyền mới tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hoàng Lân từ Odessa lại cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp rất triển vọng. Ukraine sở hữu nhiều đất nông nghiệp tốt nhất và rộng lớn tại Châu Âu. Lương thực bao giờ cũng cần thiết.
Hội thảo đã tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng trao đổi, thảo luận để tìm ra được hướng kinh doanh hiệu quả, bám trụ vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine cũng được cung cấp thông tin mới nhất về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam năm 2014 và một số giải pháp phát triển kinh tế của Chính phủ năm 2015. Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước nhằm thu hút đầu tư về quê hương đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng sẽ là một phương án tham khảo cho các doanh nghiệp Việt tại Ukraine trong thời điểm cần nơi "tránh bão" như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.