(HNM) - Ngày 27-5, tại cuộc gặp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Nhiều DN đề nghị Mặt trận Tổ quốc nêu cao vai trò giám sát và phản biện, đặc biệt là giám sát việc thực thi pháp luật để
Hàng dệt may trong nước phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng nhập khẩu. |
"Hành là chính" vẫn tăng
Tại buổi gặp mặt, các DN phản ánh quy trình thủ tục vẫn rất nhiêu khê, thậm chí thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực không giảm mà còn có dấu hiệu tăng thêm. Chẳng hạn, đại diện Hội Doanh nghiệp quận Tân Bình cho rằng, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng trước đây nhanh gọn, nhưng nay phải cần đến 3-4 tháng mới xong. Có nhiều quy định "hành" nhau như, khi lắp đồng hồ nước phải xin phép ở phường và cam kết phải sử dụng; yêu cầu chính chủ nhà đi nộp giấy tờ, lấy giấy tờ. "Thủ tục đi lòng vòng, kéo dài thời gian của DN, người dân", đại diện này bức xúc. Đó là chưa nói, tác phong lề mề của công chức trong các sở, ngành vẫn còn tồn tại khiến DN mất thời gian, phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Dù đã kiến nghị nhiều nhưng được giải quyết rất ít nên niềm tin của DN sụt giảm. Chẳng hạn, theo đại diện Ban Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất TP Hồ Chí Minh, những khó khăn về áp giá thuê đất, thuế đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn nguyên...
Cũng theo phản ánh của các DN, nhiều chính sách vẫn không phát huy được tác dụng, bởi chưa phù hợp với thực tiễn. Để khắc phục vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - Cao su TP Hồ Chí Minh Trần Việt Anh cho rằng, khi xây dựng chính sách liên quan đến ngành nghề nào thì cơ quan chủ trì cần phải tìm hiểu kỹ thông tin từ các ngành nghề đó và với những chuyên ngành hẹp thì cần mời những doanh nghiệp thuộc ngành nghề đó tham gia, đóng góp ý kiến.
Ngoài ra, theo các DN, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành quy định còn chậm nên ảnh hưởng đến hoạt động của họ… Chẳng hạn, trong khi các cơ quan chức năng khuyến khích sản xuất sản phẩm túi nilon thân thiện với môi trường để thay thế cho sản phẩm túi nilon thông thường thì DN đầu tư công nghệ sản xuất vẫn chưa được tiếp cận cơ chế hỗ trợ, khiến cho các DN sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường gặp khó khăn, sản phẩm không cạnh tranh nổi do giá bán sản phẩm cao hơn sản phẩm truyền thống.
Càng chậm tháo gỡ, càng đẩy DN khó khăn hơn
Hiện nay, DN trong nước bị yếu thế trong nhiều ngành nghề. Đơn cử như trong sản xuất nông nghiệp, lâu nay do các công ty nước ngoài nắm giữ các khâu như, nguồn giống, thức ăn chăn nuôi, hệ thống phân phối và sản xuất. Có thể thấy các công ty phân phối nước ngoài đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để khai thác thị trường Việt Nam, tranh thủ mở rộng hệ thống phân phối… Hiện tại nhiều DN bán lẻ trong khu vực đã vào Việt Nam mua gom các chuỗi bán lẻ… Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu của ta cũng bị vấp phải sự cạnh tranh dữ dội. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết, 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu của ngành nông lâm thủy sản giảm 7% so với cùng kỳ năm trước do phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác trong khu vực.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, hiện đã có 30% doanh nghiệp sản xuất theo phương thức FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm thay vì làm hàng gia công), nhưng trong đó nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước ngoài TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương). Trong khi đó, thị trường nội địa cũng cạnh tranh khốc liệt vì hàng dệt may nhập khẩu từ các nước.
Tới đây, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, công tác kiểm soát hàng hóa nhập khẩu lưu hành vào thị trường bằng rào cản kỹ thuật của ta còn yếu kém. Bà Lý Kim Chi cũng cho rằng, cơ quan nhà nước phải sớm ban hành rào cản kỹ thuật như an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới có thể kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu lưu hành ồ ạt vào thị trường. Còn hiện nay, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa có nên hàng hóa mọi tiêu chuẩn đều tràn vào thị trường nội địa, không kiểm soát nổi.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) Phạm Ngọc Hưng, những khó khăn trên sẽ càng làm DN Việt khó khăn hơn khi hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới. Hội nhập sâu rộng cũng đồng nghĩa với việc nhiều chính sách, thể chế trong nước sẽ bị tác động, DN phải đối mặt với áp lực cạnh tranh cao hơn. Vì vậy, việc chậm tháo gỡ khó khăn sẽ khiến DN càng mất đi lợi thế cạnh tranh cả trong và ngoài nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.