(HNM) - Từ ngày 1-6-2017, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động được quyền tự quyết định giá cước dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming) cả chiều đi và chiều đến.
Phù hợp với xu hướng thế giới
Theo Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), chủ trương “quản lý giá cước theo nguyên tắc tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp” đã được quy định tại Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg (ngày 27-7-2012) phê duyệt “Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020”. Vì vậy, thực hiện theo lộ trình này, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông rà soát tình hình thực tế kinh doanh và xây dựng phương án điều chỉnh kinh doanh dịch vụ roaming bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cụ thể, các nước trên thế giới đều điều chỉnh giá cước roaming theo hướng giảm. Trong đó, từ ngày 1-4-2016, Liên minh Châu Âu (EU) đã giảm cước roaming cả dữ liệu (data), thoại giảm còn 0,05 EUR/MB/phút và cộng với chi phí chuyển tiếp dịch vụ. Nhiều nhà mạng trong khu vực Châu Á cũng đã áp dụng gói cước sử dụng data roaming không giới hạn theo ngày hoặc theo gói lưu lượng cao...
Trong khi đó, theo quy định (áp dụng từ tháng 1-2015), giá cước roaming chiều đến tại Việt Nam được áp dụng như sau: Nếu gọi trong Việt Nam có mức giá trung bình là 0,275 USD/phút (giá sàn là 0,25 USD/phút); gọi quốc tế là 1,093 USD/phút (giá sàn là 0,983/phút); nhận cuộc gọi là 0,165 USD/phút (giá sàn 0,25 USD/phút); data là 1,092 USD/phút (giá sàn là 0,983 USD/phút); cước nhắn tin 0,163 USD/tin nhắn (giá sàn là 0,15 USD/tin nhắn); giá cước roaming liên mạng thấp hơn 10% so với mức giá trung bình.
Với mức giá này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi đàm phán với đối tác nước ngoài… Mặt khác, từ tháng 9-2016, lãnh đạo hai doanh nghiệp là Tập đoàn VNPT và Tổng công ty MobiFone đã kiến nghị Bộ TT-TT để các doanh nghiệp tự quyết định giá cước với dịch vụ này nhằm ngăn sự sụt giảm sản lượng cả chiều đi và chiều đến khi phải cạnh tranh với các dịch vụ không phải do nhà cung cấp dịch vụ internet trực tiếp đưa đến (OTT)…
Liệu có cạnh tranh về giá?
Việc Bộ TT-TT bỏ quản lý giá cước roaming quốc tế để các doanh nghiệp tự quyết định đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp được hoàn toàn chủ động về giá cước, thời gian đàm phán với các đối tác về roaming cả chiều đi và chiều đến. Giá cước đàm phán trên nguyên tắc thương mại với các đối tác bảo đảm lợi ích doanh nghiệp, phù hợp với mức chi trả của người dân để kích thích tiêu dùng, bảo đảm quyền lợi quốc gia khi tiến tới cân bằng chiều đến và chiều đi, tăng nguồn thu từ phát triển chiều đi.
Như vậy, có thể hiểu là mức giá cước roaming dịch vụ này phụ thuộc vào đàm phán của doanh nghiệp. Về vấn đề này, các nhà mạng trong nước đều có những lợi thế, chẳng hạn VinaPhone là thành viên của Liên minh Conexus, MobiFone tham gia Liên minh di động Bridge, Viettel tham gia Liên minh di động Qorus và việc tham gia các liên minh di động với thành phần là các nhà mạng lớn sẽ giúp thuê bao của các nhà mạng đó được ưu đãi khi sử dụng roaming ra các nước thành viên này…
Cũng theo phân tích của Bộ TT-TT, hiện các doanh nghiệp đã kinh doanh trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, không doanh nghiệp nào có khả năng khống chế thị trường, ảnh hưởng đến giá cước roaming, nên thị trường này không cần sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước.
Doanh thu dịch vụ roaming của cả 3 nhà mạng lớn (Viettel, MobiFone, VinaPhone) ở mức hơn 700 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trong số này thì người Việt Nam ra nước ngoài gọi, dùng data về (roaming chiều về) chỉ chiếm có 1/8 doanh thu, còn lại là do người nước ngoài đến làm việc, du lịch tại Việt Nam gọi về đất nước họ. Như vậy, các nhà mạng trong nước phải dành phần lớn tiền để trả lại cho đối tác nước ngoài và chỉ nhận được 1/8 doanh thu như đã nêu và hầu như không có lợi nhuận. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.