(HNM) - TP Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người đến năm 2020 của toàn thành phố tăng lên 19,8m2/người.
Tăng diện tích sàn nhà
Làm việc tại một công ty ở quận 1, chị Vũ Thị Huyền Châm không thể tìm mua được một căn hộ có giá dưới 1 tỷ đồng dù đã chấp nhận phải đi làm xa hơn 10km. Chị đành chấp nhận ở nhà thuê, hy vọng một vài năm nữa thành phố sẽ có nhà giá phù hợp với thu nhập của mình. Chị Châm cho biết, nhà càng gần trung tâm thì giá càng cao, tại thời điểm này, nếu muốn mua nhà tầm 1 tỷ đồng/căn phải chấp nhận lên Bình Dương, đi làm xa trên 20km.
TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên phát triển nhà ở thương mại giá thấp, hướng đến đối tượng người mua để ở. |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, nếu TP Hồ Chí Minh cho phép nhà đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có diện tích dưới 45m2, đồng thời có chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất, doanh nghiệp sẽ giảm chi phí xây dựng (còn khoảng 15 triệu đồng/m2 sàn) thì hoàn toàn có thể làm được nhà ở thương mại giá 600 triệu đồng/căn.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, kế hoạch phát triển nhà ở đã được định hướng trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2020, thành phố dự kiến phát triển nhà ở tăng thêm khoảng 7.906.000m2 sàn (chung cư cao tầng, nhà ở thấp tầng) và 31.227.000m2 sàn (nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình); đến năm 2025 đạt 13.084.000m2 sàn (chung cư cao tầng, nhà ở thấp tầng) và 32.812.000m2 sàn (nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình). Để phát triển diện tích các sàn nhà ở này, đến năm 2020 thành phố cần 316.769 tỷ đồng, đến năm 2025 cần 370.253 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, thành phố sẽ tập trung phát triển nhà ở thương mại, cùng với việc phát triển nhà ở nhằm mục đích an sinh xã hội như xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân… Qua đó, nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đến năm 2020 đạt 19,8m2, đến năm 2025 đạt 22,8m2.
Ưu tiên phát triển nhà giá thấp
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, theo định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020, hai quận trung tâm là quận 1 và quận 3 sẽ không phát triển mới các dự án nhà ở cao tầng mà ưu tiên các dự án cải tạo, xây mới thay thế chung cư cũ (trước năm 1975). Đối với 11 quận hiện hữu (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Phú) hạn chế đầu tư xây dựng mới các dự án nhà ở, ưu tiên cải tạo, chỉnh trang nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại.
Đối với 6 quận phát triển (quận 2, 7, 9, 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân) ưu tiên phát triển các dự án mới về nhà ở, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn. Đối với 5 huyện (Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ) ưu tiên phát triển các khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh. Đặc biệt, tại 5 huyện này, thành phố sẽ có chính sách ưu đãi đặc biệt để hình thành các khu dân cư mới (cả cao cấp và bình dân) để kéo giãn dân số nội thành.
Theo ông Lê Hoàng Châu, bên cạnh việc tăng diện tích sàn nhà ở, phải đồng thời kéo giảm giá nhà mới đáp ứng đại bộ phận người mua có nhu cầu để ở. Tuy nhiên, phần lớn các dự án có giá vượt quá mức chi trả của người dân. Thực tế cho thấy, tiền sử dụng đất đối với căn hộ chung cư chiếm khoảng 10% giá nhà, nhà phố chiếm khoảng 30%, biệt thự chiếm khoảng 50%. Để giảm giá nhà, theo HoREA, trước tiên phải giảm tiền sử dụng đất.
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu của kế hoạch phát triển nhà ở thành phố đến năm 2025.
Theo đó, thành phố sẽ thí điểm các cơ chế cho phép chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp được đóng tiền sử dụng đất hằng năm (thay vì đóng một lần) để giảm áp lực tài chính cho chủ đầu tư. Thành phố cũng sẽ thí điểm hợp nhất đồ án quy hoạch xây dựng đô thị với kế hoạch sử dụng đất để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển nhà ở.
Song song đó là việc tinh giản hóa thủ tục trong công tác cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người dân có nhà ở hợp pháp.
Một trong những giải pháp quan trọng nữa là thành phố sẽ quản lý chặt chẽ việc sang nhượng đất đai, nhà ở để tránh đầu cơ, đẩy giá nhà, đất lên cao. Thành phố cũng sẽ công khai hệ thống thông tin bất động sản nhà ở, minh bạch các dự án nhà ở đủ điều kiện mở bán trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có nhu cầu nhà ở dễ dàng tiếp cận thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.