(HNM) - Năm 2022, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng bộ thành phố Hà Nội được thực hiện đồng bộ, toàn diện, công khai, minh bạch. Năm 2023, hoạt động này tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; “đi trước” trong phát hiện vi phạm... nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Kiểm tra, giám sát lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết, năm 2022, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng bộ thành phố đã được Thành ủy, các cấp ủy Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện.
Nổi bật, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra đối với 1.590 tổ chức Đảng, 599 đảng viên; giám sát 949 tổ chức Đảng, 575 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 145 tổ chức Đảng và 334 đảng viên; cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 22 tổ chức Đảng và 1.142 đảng viên… Các cuộc kiểm tra khi kết luận bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; đối với tổ chức Đảng và đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp, khi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật đều được tiến hành quy trình thi hành kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
Cùng với việc chủ động kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kịp thời kiểm tra, xem xét xử lý những lĩnh vực, vụ việc mới phát sinh; thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ trung ương giao, ủy quyền thực hiện. Trong đó, với đặc điểm số lượng tổ chức Đảng các cơ sở y tế, bệnh viện trung ương và Hà Nội rất lớn (109 tổ chức Đảng), để kiểm tra toàn diện 100% các cơ sở cùng một thời điểm theo nhiệm vụ được trung ương giao, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban Kiểm tra Thành ủy trực tiếp kiểm tra 5 cơ sở bệnh viện lớn; giao Ban Thường vụ 30/30 quận, huyện, thị ủy kiểm tra, giám sát 88 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc trên địa bàn. Qua kiểm tra, giám sát, chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 9 tổ chức Đảng…
Chị Lê Thu Hiền (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết, qua theo dõi công tác kiểm tra, giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy rõ tinh thần nghiêm túc, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Đặc biệt, qua giám sát đã giúp không ít cá nhân, tổ chức Đảng chủ động khắc phục hạn chế, khuyết điểm…
Xử lý nghiêm minh, song hành giáo dục, vận động
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; năm thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, từ đó các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp của thành phố cần phát huy tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ; xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, song hành với việc giáo dục, thuyết phục, vận động, để mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng rất nghiêm minh nhưng cũng mang tính nhân văn sâu sắc.
Ngoài ra, cần tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Coi công tác giám sát là việc làm thường xuyên nhằm phòng ngừa sai phạm; thực hiện công tác kiểm tra theo phương châm “đi trước, mở đường” trong việc phát hiện vi phạm. Trong đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội để người dân được tham gia, đóng góp ý kiến cho công tác kiểm tra, giám sát, thi hành Điều lệ Đảng…
Cụ thể hóa chỉ đạo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cho biết, trong năm 2023, cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp thành phố sẽ thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được quy định tại Điều 32 Điều lệ Đảng; tập trung kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhằm thúc đẩy thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Trọng tâm là tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp, tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; chú trọng công tác giám sát chuyên đề.
Nội dung kiểm tra, giám sát sẽ tập trung vào thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ; việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như: Cải cách hành chính, công tác cán bộ, công tác quy hoạch, quản lý dự án, đất đai, trật tự xây dựng, tài chính, mua bán tài sản công… nhằm phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo sớm, phòng ngừa từ xa, không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.