Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (ngày 5-5-2022) của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ đô Hà Nội cần triển khai thực hiện.
Trong đó, Hà Nội đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy hiệu quả những giá trị riêng có của Thủ đô để trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Sức bật mới từ văn hóa
Những ngày này, nhiều người dân phường Thượng Thanh (quận Long Biên) khi được hỏi đều rất tự hào về ngôi chùa Thanh Am (Đông Linh tự) trên địa bàn. Bởi sau nhiều năm xuống cấp, giờ đây chùa đã được trùng tu với cảnh quan, khuôn viên vừa giữ được nét cổ kính, vừa khang trang, sạch đẹp.
“Chùa đối với chúng tôi không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn là văn hóa, tình cảm. Việc tu bổ Đông Linh tự khiến bà con rất phấn khởi, như được tiếp thêm năng lượng để sống, làm việc tốt hơn”, bà Nguyễn An (63 tuổi, phường Thượng Thanh) chia sẻ.
Đây cũng là cảm xúc của hàng nghìn người dân ở khắp Hà Nội, những nơi được thụ hưởng thành quả từ chủ trương ưu tiên đầu tư cho văn hóa của thành phố nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đề ra.
Song hành với triển khai toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, Đảng bộ Thủ đô cũng bám sát mục tiêu xây dựng “Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" được chỉ rõ tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội; bảo đảm phát triển bền vững công nghiệp văn hóa, đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác này, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa.
Thành phố cũng đã dành nguồn lực khoảng 49.200 tỷ đồng đầu tư cho 3 lĩnh vực trọng điểm, gồm: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Nếu như trong hai năm 2021-2022, thành phố đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố thì đến hết năm 2023, thành phố đã hoàn thành 1.005 công trình, trong đó có 382 công trình cấp thành phố và 623 công trình cấp huyện.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô. Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, thành phố sẽ vào cuộc quyết liệt, song cũng phải thật bình tĩnh cân nhắc để bảo đảm việc thực hiện đúng hướng, có hiệu quả, đạt chất lượng mong muốn. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa, phải tổ chức thực hiện thật hài hòa, với những bước đi chắc chắn, phù hợp, để vừa phát huy hiệu quả, vừa gìn giữ được những giá trị gốc, những nét đẹp cổ kính, truyền thống vốn có của Thủ đô.
Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường quản lý các không gian văn hóa có ý nghĩa quan trọng gắn với các di tích tiêu biểu của thành phố; từ đó tạo thành những điểm đến hấp dẫn, thể hiện rõ đặc trưng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” của Thủ đô Hà Nội. Đây là những bước đi cần thiết để triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và Thành ủy về lĩnh vực văn hóa theo hướng hiệu quả, bền vững nhất.
Những kết quả quan trọng, toàn diện
Tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Bộ Chính trị đã chỉ rõ những mục tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Thủ đô Hà Nội cùng lúc phải thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Vượt qua những khó khăn thách thức, Đảng bộ Thủ đô đã có những bước đi bài bản, sáng tạo nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ.
Kết thúc năm 2023, chỉ sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, GRDP của thành phố tăng 6,27%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 410,51 nghìn tỷ đồng, vượt 16,3% dự toán, tăng 23% so với năm 2022. Thủ đô Hà Nội cũng hoàn thành 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: Giảm số hộ nghèo so với năm trước; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý và số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt những kết quả quan trọng. Chất lượng giáo dục của Thủ đô được giữ vững. An sinh xã hội được bảo đảm, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, trong đó thành phố đã hỗ trợ 734 hộ thoát nghèo, vượt kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, thành phố đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong các cơ quan hành chính nhà nước. Gần 39.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho công dân Thủ đô để thực hiện thủ tục hành chính. Một số nhiệm vụ có tính chiến lược, việc khó, tồn tại từ nhiều năm được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2023, như: Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội; Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố; Đề án quản lý, sử dụng và khai thác nguồn lực từ tài sản công của thành phố; Đề án xử lý các dự án ngoài ngân sách nhà nước có sử dụng đất chậm triển khai nhiều năm…
Bước sang năm 2024, Đảng bộ Thủ đô đã xác định mục tiêu tổng quát nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TƯ. Đó là: Thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Kết thúc quý I-2024, GRDP tăng 5,5%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 146.877 tỷ đồng, tăng 3,9%; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 86.550 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Thành phố cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 quy hoạch lớn để tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới cho thành phố, đó là: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đáng chú ý, thành phố đã tích cực triển khai tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và hoàn thành việc đánh giá chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 với kết quả của cả hai khối sở và khối huyện đều tăng so với năm 2022…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; nỗ lực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; lựa chọn, bố trí người thật sự có đức, có tài, tâm huyết, trách nhiệm với công việc và sự phát triển của Thủ đô để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.