Ông Phạm Văn Bên đã kết thúc chuyến đi cuối cùng của cuộc đời mình ngày 12/4. Sự tử tế chính là di sản quý giá nhất ông để lại cho đời.
Ông Phạm Văn Bên và sản phẩm gạo xuất khẩu. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trước đó, ông Phạm Văn Bên, chủ DNTN Cỏ May, đã qua đời ngày 7/4 tại TP Sa Đéc, Đồng Tháp, vì bệnh ung thư, thọ 67 tuổi. Ông đã bỏ ra 40 tỉ đồng xây dựng ký túc xá miễn phí cho sinh viên nghèo tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và lo cho họ ăn, học miễn phí.
Người Sa Đéc gọi ông Phạm Văn Bên là ông Cỏ May, cái tên gắn với thương hiệu xà bông những ngày đầu gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Cũng bởi, nhắc đến Cỏ May, người ta nghĩ đến tình thương và sự tử tế của ông Út Bên với người nghèo, học sinh hiếu học.
Người bảo vệ khách sạn kế bên hông chợ Sa Đéc hay anh lái taxi đều nói về ông bằng giọng trìu mến dù họ không làm việc cho ông, cũng chưa một lần gặp mặt.
Lễ tang ông không có kèn trống ồn ào như nhiều đám khác. Nhân viên của ông, bạn bè, hàng xóm, đối tác và cả những người không quen biết đến thắp hương cho ông trong lặng lẽ.
Bên linh cữu ông, họ trò chuyện về những kỷ niệm, chia sẻ những ký ức ấm áp về một người bạn, một tri kỷ và một người truyền cảm hứng.
Họ nói về chuyện ông đã nâng niu những hạt gạo của Đồng Tháp Mười như thế nào. Chuyện ông trân trọng những hạt mầm tài năng là những trò nghèo hiếu học ra sao. Chuyện ông tháng nào cũng gửi học bổng cho sinh viên rồi về tỷ mẩn nhắn tin cho từng em.
Ban lễ tang có một không hai
Chị Thảo Trang, con gái ông Phạm Văn Bên, chia sẻ: "Với ba, của cho không bằng cách cho, không phải cứ cho người ta tiền là coi như mình đã làm từ thiện. Lúc nào nghe ở đâu có người khó khăn, ba phải đến tận nơi, hỏi han đời sống của họ".
"Rồi ba dặn mấy em nhỏ là các con học thiệt giỏi đi rồi ông Út cho tiền đi học tiếp. Sau này lên Đại học, ông Út xây ký túc xá cho bọn con vào ở, nuôi tụi con ăn học thành tài. Đối với ba, điều quan trọng là phải chia sẻ và khích lệ họ chứ không chỉ giúp đỡ vật chất đơn thuần", Trang đầy tự hào khi nhắc về cha.
Ban lễ tang có một không hai trên đời do chính ông Phạm Văn Bên ký quyết định 3 ngày trước khi mất. Ảnh: Hà Hương |
Một công nhân đã làm việc cho công ty Cỏ May đến 9 năm cũng kể: “Năm nào chú cũng đi xây nhà cho công nhân nghèo, trẻ con nhà ai đi học chú cũng chăm lo tới nơi tới chốn. Bao nhiêu năm tôi làm ở đây, chú chưa đuổi việc một ai, và ai cũng thương mến chú”.
Có lẽ bởi vậy, trong chuyến hành trình cuối cùng của cuộc đời mình, bên ông có những nhân viên, những cộng sự thân tín ở Cỏ May. Trong sự ân cần, lịch sự và chuyên nghiệp của họ, phản phất hình bóng của ông Út Bên.
Con người ấy chu đáo đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Nhiều người đến viếng ông Út Bên ngỡ ngàng khi đọc tờ giấy dán khiêm tốn ở một góc tường. Đó là quyết định thành lập ban lễ tang ông Phạm Văn Bên do chính…ông Phạm Văn Bên ký vào ngày 4/4, 3 ngày trước khi ông ra đi.
Trưởng ban lễ tang là ông thông gia Phạm Hữu Phước, thành viên là con trai và những cộng sự tin cẩn suốt bao nhiêu năm trời của ông ở Cỏ May. Trên trang facebook của mình, nhà báo Kim Hạnh gọi đó là một “ban lễ tang có một không hai trên đời”.
Ông Phạm Hữu Phước bùi ngùi: “Anh Bên có ý nhờ tôi làm trưởng ban lễ tang cho anh, anh có ý kiến về từng chi tiết nhỏ trong lễ tang. Đến bài nhạc của đội kèn cũng là do anh chọn".
"Anh dặn đừng có rải tờ tiền vàng nào lúc đưa tang ảnh hưởng mỹ quan, đừng mở loa ồn ào làm phiền bà con lối xóm. Anh chu đáo đến hơi thở cuối cùng”, ông Phước kể.
Di sản tử tế của ông Út Bên
Ông Cỏ May mất ngày 7/4, không kịp để nhìn thấy ký túc xá mà ông đã dồn bao tâm huyết để xây dựng. Ký túc xá 432 chỗ dành cho sinh viên nghèo là tâm nguyện cuối đời của ông.
Theo anh Phạm Minh Thiện, con trai út, công trình mới chỉ xong phần thô, phải thêm hai tháng nữa mới hoàn thành. “Nhưng mà ba không đợi được”, anh Thiện buồn rầu nói.
Theo cam kết của ông Phạm Văn Bên, doanh nghiệp Cỏ May đã đầu tư 37 tỷ để xây ký túc xá. Công trình được khởi công năm 2015 trên phần đất của ĐH Nông lâm TP HCM. Mỗi năm, doanh nghiệp này cũng sẽ cấp thêm 15 tỷ để chăm lo đến đời sống, sinh hoạt của các em sinh viên.
Gia đình đưa tiễn ông Cỏ May - Phạm Văn Bên về với đất mẹ. Ảnh: Hà Hương |
Là người sát cánh ông những ngày đầu của dự án, chị Thảo Trang kể ban đầu, mọi người trong nhà cũng không đồng ý với ý tưởng xây ký túc xá bởi lo ông cực quá.
"Tôi có nói với ba rằng ba có năm người con, không phải đứa nào cũng ngoan, có lúc con làm ba đau đầu. Rồi giờ ba làm sao với hàng trăm đứa như vậy. Ba nói ba chỉ cần 5 đến 10% số đó thành tài, thành người là ba mãn nguyện lắm rồi, chứ ba không cần nhiều như vậy đâu”.
Con trai út Phạm Minh Thiện sẽ là người sẽ kế tục ba mình làm CEO của doanh nghiệp Cỏ May. Anh nói mình là con nhưng đồng thời cũng là học trò, là nhân viên, là người phụng sự của ông.
Trong lời từ biệt ba mình, Phạm Minh Thiện viết: “Xin vĩnh biệt ba, một người mà từ sâu thẳm đáy lòng, con luôn tôn thờ, người đã vì chén cơm manh áo cho gia đình, cho đời sống tập thể người lao động, cho cộng đồng kinh tế địa phương, cho người nghèo, cho sự nghiệp trồng người, cho tương tai và cho đất nước, đã miệt mài lao động, không và chưa hề một phút nghỉ ngơi cho đến hơi thở sau cùng”.
Ông Phạm Văn Bên và gia đình trao đổi về dự án ký túc xá cho sinh viên nghèo vào tháng 4/2015 - Ảnh: Tuổi Trẻ. |
“Di sản quý giá nhất mà anh Bên để lại là một hình ảnh, một nhân cách mà ai cũng kính phục. Anh có bản tính của một hảo hớn theo cách nói của người Nam Bộ, hào hiệp, hào sảng, cái gì không đúng thì không đồng tình", người bạn tri kỷ Phạm Hữu Phước nói như vậy về di sản để lại của ông Phạm Văn Bên
"Anh giúp đỡ ai thì không cân đo đong đếm, rộng rãi, hào phóng, nhưng chi tiêu cho mình lại rất tiết kiệm. Hai năm trước, anh tâm sự với tôi về nguyện vọng xây ký túc xá cho sinh viên nghèo", ông Phước nhớ lại.
Ông Bên tính toán mỗi năm tiền chu cấp cho các em khoảng 15 tỷ. Khi đó, ông Bên nói: "Tôi sẽ làm di chúc, trong đó, doanh nghiệp Cỏ May phải ưu tiên trích lợi nhuận hàng năm cho việc này trước khi chia cho các con”.
Người thầy không bục giảng Chia tay người bạn thân thiết, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp đã có bài viết dài có tựa đề: Vĩnh biệt anh Út Bên - Một nhân cách lớn, "Người thầy không bục giảng". Zing.vn xin trích đăng. Cả cuộc đời làm doanh nhân của mình, tôi đoán rằng Anh không có thời gian nhiều để học bài bản các khoá kinh tế, tiếp cận các lý thuyết quản trị, kinh doanh này nọ. Anh chỉ làm và làm tốt bằng sự tinh tế, nhạy bén của mình, bằng sự thấu cảm của mình. Nhìn Anh ngồi xếp bằng hỏi han từng người công nhân, rồi chăm chút cho đời sống cho mọi người bằng những quyển sổ tiết kiệm, quỹ học bổng, hỗ trợ xây cất nhà cửa... mới thấy Anh đối nhân - xử thế như thế nào. Anh đối đãi với cộng sự, với những người giúp việc, lao công, bốc xếp của mình như những người thân, những ân nhân đã giúp Anh vượt bao sóng gió thương trường. Anh đã thực hiện đúng câu của ông bà mình dạy: "Của cho không bằng cách cho". Những năm cuối đời, mặc dù sức khỏe đã cạn dần, nhưng Anh lại dành nguồn vốn 37 tỷ đồng để xây dựng Ký túc xá trên phần đất của Trường Đại Nông lâm TP HCM, đồng thời hằng năm còn cấp khoảng 15 tỷ đồng lo chi phí cho sinh viên ở trong ký túc xá này nữa. Mấy ai trong đời làm được những chuyện như vậy? Chắc là có, nhưng chắc là hiếm lắm! Thực hiện được ước mơ cháy bỏng cả cuộc đời mình bằng tấm lòng thiện nguyện, trong sáng, chắc Anh đã trải qua nhiều đêm trăn trở, dằn vặt giữa cái riêng và cái chung, giữa gia đình và xã hội, giữa hiện tại và tương lai. Anh hằng mong mỏi mai này có một thế hệ người "vừa có tài mà phải có tâm". Anh chính là một "Người Thầy không bục giảng", một người thấm đẫm "đạo làm người, đạo làm doanh nhân", một người không phải là người trí thức nhưng hiểu sức mạnh của tri thức là động lực phát triển cho mỗi con người và cho xã hội. Lê Minh Hoan (Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.