Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Việt Tuấn| 01/11/2016 07:09

(HNM) - Có nhiều tiềm năng về du lịch, nhưng Hà Nội chưa khai thác hiệu quả, bởi chưa tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng để thu hút khách, trong khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và còn thiếu sự liên kết vùng.

Khách du lịch đi thuyền trên suối Yến (chùa Hương). Ảnh: Bá Hoạt


Đây là vấn đề nổi lên qua đợt giám sát của Thường trực HĐND thành phố sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 12/NQ-HĐND của HĐND thành phố về Quy hoạch phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cần phải làm nhiều việc để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo báo cáo của Sở Du lịch, thời gian gần đây, thị trường du lịch của Hà Nội được mở rộng, lượng khách không ngừng tăng và sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa trên cơ sở phát triển thế mạnh tiềm năng tài nguyên du lịch, đem lại mức tăng trưởng ổn định, tổng thu từ du lịch giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 15,5%/năm. Song, con số này chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế du lịch của một Thủ đô. Nếu so sánh có thể thấy, tổng thu từ du lịch mang lại của Hà Nội là con số rất nhỏ so với thủ đô nước khác như Tokyo, Bangkok, Singapore, Seoul…

Đơn cử như huyện Mỹ Đức - địa phương sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái như chùa Hương, hồ Quan Sơn, hồ Thượng Lâm, làng sinh dưỡng Tuy Lai, nhưng hiện nay mới khai thác được Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu, Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cũng chỉ khai thác được trong 3 tháng đầu năm; mỗi năm thu hút khoảng 1,3 triệu lượt khách, doanh thu gần 80 tỷ đồng.

Tương tự, thị xã Sơn Tây có Thành Cổ, đền Và, chùa Mía, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, làng cổ Đường Lâm, Khu du lịch Đồng Mô… nhưng cũng chỉ thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách/năm, đa số du khách không lưu trú. Các huyện, quận: Chương Mỹ, Sóc Sơn và Tây Hồ… cũng chung nhận định - chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt, huyện Ba Vì được cho là có nhiều lợi thế hơn cả nhưng vẫn khó “bứt phá” vì công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng còn chậm, nhất là giao thông.

Nguyên nhân là sản phẩm du lịch của Hà Nội còn thiếu đặc sắc, thiếu những sản phẩm chủ lực. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải, các sản phẩm du lịch vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức. Quy mô hệ thống cơ sở lưu trú vẫn còn nhỏ, chất lượng còn nhiều hạn chế, các cơ sở đạt chất lượng đủ tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 đến 5 sao vẫn chưa nhiều. Chưa kể, Hà Nội còn thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn, đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch.

Thêm nữa, hệ thống nhà hàng, cơ sở dịch vụ ẩm thực, mua sắm của Hà Nội phát triển nhưng vị trí phân tán, chưa liên kết tạo dựng thành sản phẩm phục vụ du lịch hoàn chỉnh, nên cũng không mang lại hiệu quả kinh tế. Hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu đồng bộ. Du lịch chưa được nhận thức là ngành kinh tế mũi nhọn; thiếu những cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn xã hội và các nhà đầu tư lớn vào phát triển du lịch. Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Văn Khương, du lịch của Hà Nội chưa khai thác xứng với tiềm năng do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu bãi đỗ xe; thiếu sự liên kết vùng giữa các địa phương, các tỉnh phụ cận.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phải làm nhiều việc. Trong đó, các quận, huyện, thị xã đề nghị thành phố kêu gọi nguồn lực đầu tư, giữ vai trò điều phối chung cho đồng bộ hạ tầng giữa các tuyến du lịch. Đặc biệt cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi tầng lớp nhân dân, mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng môi trường du lịch, tham gia phát triển du lịch trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đồng bộ và thống nhất. Để tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch Thủ đô cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững thì một trong những yêu cầu đặt ra là sản phẩm du lịch phải được phát triển, đầu tư độc đáo, kết hợp tổ chức các tour, tuyến phù hợp.

Về phía các địa phương, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng đề nghị các cấp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, mở rộng, nâng cấp quốc lộ 6 để thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng mong muốn Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng 5 tuyến đường thuộc Khu du lịch Suối Hai - Tây Ba Vì. Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cũng kiến nghị Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, những dự án nào bố trí ngân sách rồi thì sớm giải ngân.

Mặt khác, thành phố cần rà soát quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch bảo đảm phù hợp thực tiễn. Cùng với đó mỗi địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá. Đặc biệt là cần phát huy vai trò tích cực của cộng đồng dân cư, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, tạo động lực phát triển và nâng cao hình ảnh du lịch tại mỗi địa phương, từ đó góp phần nâng cao sức hút của du lịch Thủ đô.

Nâng cao tính kết nối giữa các điểm du lịch

(HNM) - Ngày 31-10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Du lịch về kết quả thực hiện Nghị quyết 12/2012/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 12).

Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát nhận định, kể từ khi có Nghị quyết 12 của HĐND thành phố, công tác quy hoạch, phát triển du lịch có bước phát triển mới; nhiều dự án đã và đang được thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai phục vụ cho phát triển kinh tế và du lịch. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của du lịch Hà Nội trong điều kiện hội nhập chưa cao, bởi sản phẩm du lịch còn thiếu đặc sắc; hạ tầng chưa đồng bộ; kết nối du lịch giữa các vùng yếu... dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của du lịch Hà Nội.

Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Du lịch Hà Nội tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các tổ chức quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch nhằm nâng cao tính kết nối giữa các điểm du lịch, vận động người dân cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng, làng nghề; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để sớm đưa Ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Vũ Thủy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.