Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để đạt ''mục tiêu kép''

Hoàng Hà| 21/11/2021 06:08

(HNM) - Thời điểm này, dù chuẩn bị bước sang năm 2022, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài trên cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất bản cũng như kinh doanh lịch.

Thực tế cho thấy, không khí mua sắm lịch ở nhiều tuyến phố, các nhà sách… những năm trước đây đã đông đúc, nhộn nhịp thì giờ này vẫn khá ảm đạm. Chính vì vắng khách mua, nên các đơn vị xuất bản, in, phát hành; hệ thống cửa hàng, nhà sách cũng “dè dặt” khi sản xuất, kinh doanh lịch. Lường trước được những khó khăn bởi dịch Covid-19 tác động, dự báo mùa lịch 2022 sẽ trầm lắng, nên các đơn vị này vừa sản xuất, đặt hàng, vừa nghe ngóng tín hiệu từ thị trường.

Tuy nhiên, dù gặp không ít trở ngại, như: Giá nguyên, vật liệu, phụ kiện cũng như chi phí vận chuyển tăng cao so với những năm trước; việc sản xuất lịch bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19; lượng khách hàng đặt giảm đáng kể do kinh tế khó khăn…, nhưng nhiều đơn vị vẫn nỗ lực vượt khó, chủ động lên kế hoạch từ sớm việc chuẩn bị vật tư, nguyên liệu... Đặc biệt, nhiều đơn vị tiếp tục chú trọng đầu tư khâu thiết kế để cho ra mắt các mẫu lịch, bộ lịch mới với nhiều chủ đề khác nhau, hình ảnh bắt mắt, chứa đựng những giá trị truyền thống tốt đẹp kết hợp với hiện đại, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Treo lịch là nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi gia đình người Việt. Hiện nay, lịch không chỉ được sử dụng để xem ngày, tháng mà đã trở thành nét đẹp văn hóa, sản phẩm trang trí của nhiều gia đình trong dịp năm mới. Do đó, để khắc phục khó khăn, duy trì sự ổn định của thị trường lịch 2022, đồng thời giữ gìn nét văn hóa Việt đặc sắc trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước, cùng với việc tiếp tục chủ động, chuẩn bị tốt các điều kiện kinh doanh các bộ lịch, sản phẩm lịch 2022, các nhà xuất bản, đơn vị sản xuất, phát hành lịch… cần đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các mẫu lịch mới độc đáo, bắt mắt; đẩy mạnh việc bán lịch ở cả hình thức trực tiếp và trên các nền tảng trực tuyến theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Trong bối cảnh giá giấy và các phụ kiện làm lịch tăng 15-30%, để duy trì hoạt động, giữ vững thương hiệu, phát triển khách hàng mới, giữ chân khách hàng truyền thống, các đơn vị sản xuất, kinh doanh lịch cần tối ưu hóa chi phí sản xuất, kinh doanh; bảo đảm thuận lợi, an toàn trong thanh toán, vận chuyển tới khách hàng; đa dạng hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm thu hút khách mua lịch năm 2022.

Về phía các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh lịch giả, lịch in lậu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà sản xuất và kinh doanh lịch chân chính, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Cùng với đó, chú trọng bảo vệ quyền tác giả của các đơn vị xuất bản, xử lý nghiêm những hành vi phát hành, in ấn các sản phẩm lịch kém chất lượng, có nội dung, hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

Lịch không phải là loại hàng hóa đơn thuần mà là ấn phẩm văn hóa, truyền tải những giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của đất nước, dân tộc. Do đó, cần sự chung tay, góp sức của các bên liên quan để đạt “mục tiêu kép”: Vừa bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, vừa góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để đạt ''mục tiêu kép''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.