(HNM) - “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua”. Những câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên đã đi vào tâm thức nhiều người Việt Nam. Từ bao đời nay, cứ mỗi độ xuân về, phong tục xin chữ và cho chữ có lẽ là thú chơi tao nhã và thú vị nhất với nhiều người.
Công nghệ, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển mạnh mẽ, kéo theo kinh tế, văn hóa, xã hội có quá nhiều sự thay đổi so với thời xưa, song văn hóa “ông đồ” cho chữ ngày Tết vẫn chưa phôi pha. Điều đó thể hiện qua mỗi dịp chuẩn bị đón xuân, du khách và những người yêu nghệ thuật thư pháp không kể già trẻ, gái trai đều háo hức đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, để tận hưởng những giây phút “hồi cố” của Hội chữ xuân.
Nhưng chính sự đông đúc này và cách cho chữ, nhận chữ trong những năm gần đây khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu việc xin chữ, cho chữ có bị biến tướng?
Thời xưa, người đến xin chữ trong một tâm thế “an nhiên”, không hề tính toán xin chữ gì, mà “ông đồ” cho chữ nào thì nhận chữ đó. Người cho chữ là người tài hoa, được kính trọng bởi sự am hiểu cách thức viết chữ, am hiểu ý nghĩa sâu xa của chữ viết ra, có “thần”, “lực”, “khí” trong từng nét bút. Tuy vậy, những năm trước đây, thực tế đã xuất hiện một bộ phận “ông đồ” chưa thực sự có đủ trình độ về học thuật cũng như thiếu am tường về văn hóa, thiếu hụt về sự am hiểu tinh hoa của nghệ thuật thư pháp đi "buôn chữ" ở Hội chữ xuân. Họ hoạt động với mục đích mưu lợi cho bản thân thay vì cống hiến cho những giá trị về mặt văn hóa. Thậm chí có những “ông đồ” cho chữ sai nghĩa, cho chữ nhưng không hiểu chữ mình viết...
Đáng mừng là trong Hội chữ xuân Kỷ Hợi 2019, ngoài việc được tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp, hiểu hơn về ý nghĩa của việc xin và cho chữ, du khách sẽ có dịp xin chữ của 60 “ông đồ” đã qua kỳ khảo tuyển trình độ của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các “ông đồ” tham gia hoạt động cho chữ đều phải ký cam kết với Ban Tổ chức về việc bảo đảm mỹ quan, văn minh, an ninh trật tự. “Ông đồ” nào vi phạm có thể bị đình chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn...
Không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ. Người cho chữ không chỉ phải hiểu chữ mà phải hiểu cả người xin chữ. Hơn ai hết, “ông đồ” phải là những người được lựa chọn kỹ càng, và bản thân những người cho chữ cũng cần phải rèn luyện để xứng đáng là người trao niềm tin tinh thần cho mọi người. Đặc biệt, cho chữ đầu năm còn là một mong ước được "thuận buồm xuôi gió" cũng như sự hanh thông suốt một năm. Vì thế, người cho chữ cũng phải có tâm và có tầm, hiểu được ý nghĩa của từng con chữ mới có thể cộng hưởng, giúp người xin chữ đạt được ước nguyện gửi gắm qua từng nét bút.
Chữ nghĩa là tự răn, để học tập, để vươn lên chứ không phải để cầu tài, cầu tiền hay cầu may. Tuy nhiên, ngày nay cũng có không ít người xin chữ tìm đến “ông đồ” như một sự cầu tìm những giá trị cụ thể trong xã hội vật chất, bằng cấp... Thậm chí có người coi xin chữ còn là giải pháp cho sự bế tắc khi kinh doanh thua lỗ... Rõ ràng, những quan niệm về việc cho chữ và xin chữ trở nên lệch lạc cần phải loại bỏ.
Tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp văn hóa, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh… Bởi vậy, giữ cho nét chữ không phôi pha là việc làm cần thiết. Đây còn là một nét đẹp truyền thống cần được bảo tồn và phát huy hơn nữa trong đời sống văn hóa, xã hội của người dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.