Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng vừa có bài viết: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”.
Phóng viên ghi nhận ý kiến của cán bộ, đảng viên tại hai thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh về nội dung bài viết nói trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng như công tác nhân sự của Đại hội XIII của Đảng.
Nhân sự là vấn đề hệ trọng
Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có giá trị cao, ý nghĩa lớn và rất kịp thời trong thời điểm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp từ cơ sở trở lên. Trong mỗi kỳ đại hội đảng, bên cạnh văn kiện, nhân sự là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, sự ổn định chính trị của đất nước, tạo tiền đề về yếu tố con người, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu trong việc thực hiện nghị quyết của đại hội đảng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, bài viết mang tính tổng kết sâu sắc, lý luận sắc sảo, tính thực tiễn cao; không chỉ phục vụ công tác cán bộ cho đại hội đảng bộ các cấp mà còn thể hiện quan điểm, phương châm, nguyên tắc của công tác cán bộ của Đảng ta từ nay về sau. Kết quả mà nhân dân mong muốn là đại hội đảng bộ các cấp sẽ chọn ra được cấp ủy có chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý. Các đồng chí được lựa chọn là người có uy tín, đức và tài trọn vẹn, có năng lực hoạt động để đủ sức thực hiện các chương trình nghị quyết, có sự nhanh nhạy, sắc sảo trong việc ứng phó với các yếu tố phi truyền thống, điều kiện bất thường trong đời sống để dẫn dắt nhân dân.
Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ Nội vụ tại thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hết sức giản dị, gần gũi từng câu chữ nhưng lại vô cùng sâu sắc, thấm thía về tư tưởng, nội dung; là định hướng hết sức quan trọng cho công tác nhân sự sắp tới của đại hội đảng. Như Bác Hồ đã nói, công tác cán bộ quyết định sự thành bại của mọi việc. Trong giai đoạn chiến tranh, bản chất con người với những điểm yếu điểm mạnh dễ bộc lộ nhưng trong thời bình thì không hề dễ dàng, “vàng thau lẫn lộn”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến loại cán bộ “mị dân, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”.
Trong nhiều năm qua, quả thật chúng ta chưa an tâm với chất lượng sinh hoạt đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể... Cũng đã có nhiều nghị quyết, chủ trương nhưng chưa thật sự làm xoay chuyển tình hình. Hiện tượng nể nang, thiếu cương quyết, thậm chí bao che đang làm xói mòn lòng tin, nhụt chí những ai quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng. Công tác cán bộ chưa tốt, còn nhiều yếu kém là do công tác tuyển chọn, đề cử, bổ nhiệm, đề bạt chưa thật sự công khai, dân chủ, chưa lắng nghe hết ý kiến của quần chúng, việc thực hiện các quy trình đề bạt còn hình thức, lấy lệ...
Tán thành với những nội dung mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài viết, Đại tá Đinh Văn Huệ, nguyên Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường Quân khu 7 cho rằng, bài viết rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay vì công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp phải được sự thống nhất nhận thức trong nội bộ Đảng và cần được quán triệt tới mỗi đại biểu tham dự đại hội. Nhất là trong một nhiệm kỳ mà nhiều cán bộ cao cấp do Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật do không tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Nếu đưa những thành phần như vậy vào hàng ngũ lãnh đạo thì rất tai hại cho đất nước.
Cơ chế “tai mắt nhân dân”
Nói về cơ chế, giải pháp cho công tác nhân sự, theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, bên cạnh cấp ủy, cơ quan tham mưu công tác cán bộ phải làm sao mở rộng dân chủ trong nhân dân, công khai danh sách cán bộ từ quy hoạch đến bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển để người dân biết cán bộ của mình là ai. Nên chăng cần xem xét việc bầu người đứng đầu chính quyền trước, bầu trưởng thôn xong mới bầu bí thư chi bộ thôn, bầu hội đồng nhân dân rồi mới bầu vào cấp ủy. Như vậy, quyền dân chủ của người dân được tăng lên, đánh giá đúng năng lực cán bộ, chống lại tình trạng đặc lợi đặc quyền, lợi ích nhóm, chạy chức chạy quyền.
“Cán bộ đi đâu, làm gì, cho ai cái gì, nhận cái gì của ai, nhân dân đều biết hết. Qua sự giám sát của mình, nhân dân sẽ giới thiệu cho Đảng những nhân tố ưu tú. Trong thực tế, vừa qua, một số nơi tổ chức đại hội xong rồi mà tại những tổ dân phố, khu phố, người dân không biết đại diện cấp ủy nhiệm kỳ tới là ai, đại hội đã diễn ra thế nào. Một số cán bộ được luân chuyển là “con ông cháu cụ”, nhiều nơi làm công tác cán bộ cứ bám vào thành phần “lý lịch cơ bản”, người trung tín không được giới thiệu tiến cử, còn kẻ xu thời vụ lợi lại được “bình phong” quy trình, tín nhiệm tập thể để thăng quan tiến chức. Cán bộ sai phạm nghiêm trọng thì “con voi chui lọt lỗ kim”, còn người mắc khuyết điểm nhỏ lại bị trừng đến nơi, trị đến chốn. Vì thế, xây dựng Đảng phải phát huy dân chủ. Đây là chìa khóa vạn năng giải quyết mọi khó khăn”, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng chia sẻ quan điểm.
Theo Đại tá Đinh Văn Huệ, phải chuẩn bị tư tưởng trước từ đại hội cấp cơ sở, trên cơ sở, tới thành phố rồi đến bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương. Mỗi đảng viên tham gia công tác xây dựng Đảng bằng cách nắm bắt và mạnh dạn phản ánh thông tin dư luận xã hội cả mặt tích cực lẫn biểu hiện tiêu cực đến cấp mình sinh hoạt để người quản lý tổng hợp, làm sáng tỏ vấn đề. Mỗi đại biểu đi dự đại hội phải ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Đảng, giới thiệu những người đủ đức và tài, xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
“Hiến kế” công tác nhân sự cho đại hội đảng, ông Diệp Văn Sơn cho rằng, theo cách làm từ trước đến nay, nguồn cán bộ khi đã được quy hoạch, “lọt vào mắt xanh” của cơ quan, tổ chức là sẽ đi đường thẳng đến đích cuối cùng. Trong khi đó, dưới “tai mắt” của nhân dân, cán bộ được quy hoạch đó vẫn còn tì vết, vi phạm nhưng tổ chức, cơ quan “bỏ ngoài tai” ý kiến phản ánh của nhân dân. Thay vì kiểm tra, xác minh làm rõ nguồn tài sản bất minh như phản ánh của nhân dân thì có cơ quan, tổ chức lại chất vấn ngược rằng, tại sao lại lọt thông tin ra bên ngoài. Hệ quả là vẫn còn một số cán bộ tham nhũng, yếu đức kém tài lọt vào hàng ngũ lãnh đạo của Đảng.
Trao đổi với phóng viên, nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng, hiện nay, đâu đó trong công tác cán bộ vẫn chưa trúng điểm thực chất, khi có những cán bộ ăn nói trơn tru, đối đãi hòa nhã với những người xung quanh nhưng khi cơ quan chức năng phát hiện vụ việc sai phạm mới vỡ lẽ về bản chất tài đức. Trong khi đó, những người hay có tinh thần xây dựng phản biện, “góc cạnh” lại không được chú ý, thậm chí như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ là “trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình".
Một vấn đề cần lưu ý trong công tác cán bộ là phải quy trách nhiệm cụ thể đối với đội ngũ tham mưu công tác tổ chức cán bộ. Cơ quan giới thiệu quy hoạch cán bộ phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với cán bộ được quy hoạch, không phải hết nhiệm kỳ là xong. Người làm tổ chức cán bộ phải thực sự trong sáng, công tâm để lựa chọn cán bộ lãnh đạo đủ đức vẹn tài. Đó cũng là mong mỏi tha thiết của nhân dân vào Đại hội XIII sắp tới của Đảng.
Dẫn lại hàng loạt nguyên cán bộ chủ chốt của thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua bị kỷ luật, dính vòng lao lý hay như vụ vi phạm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội mới đây..., ông Diệp Văn Sơn thẳng thắn bày tỏ việc có lợi ích nhóm trong công tác tổ chức cán bộ khi có những cán bộ bề ngoài hội đủ các yếu tố quy trình khiến tổ chức khó bác lại, nhưng lại tạo cánh hẩu, đến khi đụng chuyện mới biết tốt xấu, tính chất tha hóa, nguy hiểm. “Những tồn tại đó phải được hoá giải bằng tai mắt, sự giám sát của quần chúng dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng vững mạnh, có như vậy mới chọn lựa được cán bộ đủ tâm đủ tầm cho Đảng, đúng với kỳ vọng của nhân dân”, ông Diệp Văn Sơn nói.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu hàng loạt những hạn chế, yếu kém còn đang tồn tại về nhân sự với gần 30 biểu hiện thoái hóa, biến chất và nêu giải pháp là phải công tâm, khách quan, minh bạch, phải "có con mắt tinh đời"...
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, nếu có "con mắt tinh đời" mà chưa loại bỏ được hoàn toàn "một bộ phận không nhỏ", xác suất lọt lưới vẫn không thể loại trừ. Trên thực tế, con người luôn có thể biến đổi về tính cách, hôm trước là người tốt, hôm sau có thể là kẻ tham lam nên nhân sự dù hoàn hảo đến mấy vẫn có thể nảy sinh những biến đổi tiêu cực. Do vậy điều quan trọng hơn sau "thiết kế" nhân sự là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát và xây dựng "văn hóa từ chức". Thực tế, quan chức ở nước ngoài khi phạm sai lầm, họ xin từ chức; không hẳn là họ có lòng tự trọng cao mà vì để bảo vệ uy tín của đảng phái chính trị mà họ là thành viên.
“Ở nước ta, chất lượng đảng viên có ý nghĩa quyết định sự thành bại vì hầu hết người đứng đầu ở các cấp, các ngành đều là đảng viên. Do vậy, kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa quyết định tạo ra đội ngũ những người đứng đầu có đủ phẩm chất là người dẫn đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội mà đại hội đảng đề ra”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên nêu ý kiến.
Công khai, minh bạch để chọn ra những cán bộ tốt
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường, Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ, sau khi đọc bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng", ông thấy sự trăn trở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với vận mệnh đất nước trong giai đoạn hiện nay. Những bài học đau xót khi một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật.
Do vậy, trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đặc biệt nhấn mạnh đến vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự đại hội này là số một, là vấn đề then chốt, dù rất khó nhưng cũng phải làm và làm một cách khoa học, công khai, minh bạch để chọn ra những cán bộ tốt lãnh đạo nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Hơn ai hết, ông thấu hiểu "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém".
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ ra bài học vẫn còn nguyên giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất. Cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một đại hội đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Tâm Hiếu - đảng viên gần 40 năm tuổi Đảng ở Hà Nội cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thấy rõ những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Ông Phạm Tâm Hiếu tin rằng, trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, một đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có năng lực, phẩm chất, uy tín, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện được xây dựng. Đặc biệt, giai đoạn này cũng là thời kỳ chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.