(HNM) - Xu hướng lùi, rút, bổ sung dự án luật vì chưa chuẩn bị kỹ, chất lượng hồ sơ trình không đầy đủ là “căn bệnh” đã được nêu ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, “thuốc” chữa chưa hiệu quả.
Năm nào cũng điều chỉnh
Thời gian qua, tình trạng “nước đến chân mới nhảy” trong xây dựng các dự án luật diễn ra rất thường xuyên. Đơn cử, nếu năm 2017, Chính phủ đề nghị bổ sung 6 dự án luật, lùi thời gian trình 5 dự án, rút khỏi chương trình 3 dự án thì năm 2018, Chính phủ đề nghị bổ sung 10 dự án (trong đó có 6 dự án liên quan đến Luật Quy hoạch), lùi thời gian trình 2 dự án, 1 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rút ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật 1 dự án.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi thảo luận, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Ảnh: Dương Giang |
Sau khi điều chỉnh, chương trình năm 2018 có thêm 1 dự án luật sửa 4 luật và 1 dự án luật sửa 11 luật. Đáng chú ý, dự án 1 luật sửa 11 luật là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công nhằm khắc phục sự không thống nhất giữa các luật.
Nhóm dự án một luật sửa nhiều luật này dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp, ngay tại kỳ họp thứ năm (tháng 5-2018). Tại kỳ họp thứ sáu, trình Quốc hội thông qua 14 dự án luật; cho ý kiến 5 dự án luật khác. Ngoài ra, chương trình năm 2018 còn được bổ sung Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Không chỉ có tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án luật diễn ra thường xuyên, chất lượng hồ sơ cũng còn nhiều hạn chế. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, không thể phủ nhận các bộ, cơ quan ngang bộ đã tích cực triển khai một số lượng lớn dự án luật trình Chính phủ, Quốc hội xem xét.
Song hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức. Chưa hết, trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới.
Làm luật trên bản... "nháp"
Những tồn tại trong công tác xây dựng luật của các cơ quan thuộc Chính phủ được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề cập cụ thể: Dự án Luật Quản lý, phát triển đô thị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, hồ sơ dày, ai cũng khen, nhưng trong đó có 6 tài liệu như là bản "nháp" vì không có tên người chịu trách nhiệm... Rồi dự án Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt cũng tương tự mà Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ cũng cho qua.
Bà Lê Thị Nga cũng cho biết, trong hồ sơ dự án luật, ngay cả những tài liệu quan trọng như báo cáo tổng kết thi hành thì cũng tới 70% không có chữ ký, không đóng dấu. Trong khi quan điểm xây dựng pháp luật là trên cơ sở tổng kết thực tiễn để chọn lọc những cái tốt, khắc phục hạn chế.
Với báo cáo đánh giá tác động cũng cực kỳ quan trọng, đây không phải thuộc về kỹ thuật mà là quyết định nội dung, nhưng do chuyên viên hay vụ trưởng, phó vụ trưởng thực hiện đều không rõ. Vậy nhưng báo cáo của Chính phủ đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội cũng chưa chỉ ra bộ nào không làm tốt.
“Chúng ta có muốn làm nghiêm hay không, chứ cứ để tình trạng nể nang nhau thì rất khó." - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xử lý nghiêm tình trạng này, văn bản không ký, không đóng dấu thì chưa giải quyết.
Nhận xét tình trạng xin rút, xin lùi dự án luật không những không được khắc phục mà còn có dấu hiệu nặng hơn, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, sự điều chỉnh liên tục của chương trình xây dựng luật, kể cả với những dự án được Chính phủ báo cáo là rất quan trọng.
“Bằng nhiều kênh tiếp xúc cử tri khác nhau, đại biểu Quốc hội đã báo cáo chương trình xây dựng pháp luật với cử tri rồi sau đó vào kỳ họp, dự án đó lại rút ra thì rất mang tiếng” - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ấn định thời gian rất cụ thể là ngày mùng 10 hằng tháng họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu không có gì thay đổi, ngày 20-5 và 20-10 hằng năm sẽ khai mạc kỳ họp Quốc hội, vì vậy theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cơ quan chuẩn bị phải căn cứ vào đó để hoàn thành hồ sơ, tài liệu, không thể cứ để Quốc hội “bắc nước chờ gạo”.
Trong hai năm 2018 và 2019, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua tổng cộng hơn 50 dự án luật. Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật thường xuyên diễn ra sẽ dẫn đến tâm lý đơn giản hóa quá trình xây dựng pháp luật, sai đâu sửa đó.
Để giải quyết căn bản tình trạng này, cần nêu rõ địa chỉ thực hiện chưa tốt, tránh tình trạng nêu chung chung "một số nơi, một số cơ quan thực hiện chưa nghiêm". Đồng thời, cần có biện pháp cụ thể để bảo đảm sự chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.