Giáo dục

Thảo luận về dự án Luật Nhà giáo: Đại biểu Quốc hội quan tâm chính sách đãi ngộ giáo viên

Việt Nga 20/11/2024 - 14:18

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng nay 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

tri-an-ngay-nha-giao.jpg
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh: quochoi.vn

Cũng trong phiên họp sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, đang thăm chính thức Việt Nam, đã dự thính.

Thống nhất cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo

pct-qh-ng-thi-thanh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập, chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông các nhà giáo tại cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tại phiên thảo luận sáng nay, Quốc hội quan tâm 8 vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đồng tình dự thảo luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước; đồng thời, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn.

db-thuc.jpg
Đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa). Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa), việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức, tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.

Do vậy, dự thảo quy định thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo được giao cho ngành Giáo dục, có thể tháo gỡ ngay vấn đề thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương.

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum). Việc dự thảo luật đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục hoặc phân cấp, ủy quyền người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện sẽ giúp ngành Giáo dục chủ động điều phối biên chế, điều phối nhà giáo.

Cũng liên quan đến nguồn nhân lực, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) cho biết, nguy cơ thiếu nhà giáo có rất nhiều nguyên nhân, có thể do chế độ đãi ngộ, cơ chế tuyển dụng. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách thu hút học sinh giỏi quốc gia, quốc tế vào ngành sư phạm bằng cách tuyển thẳng vào các trường sư phạm.

Cần có chính sách đãi ngộ về tiền lương với nhà giáo

db-huynh-thi-anh-suong-quang-ngai.jpg
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi). Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định về chính sách tiền lương, chế độ ưu đãi với nhà giáo.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn khó khăn, chưa thể sống bằng nghề, do vậy, cần có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ ưu đãi, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắc Nông) ủng hộ việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp; song việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi hệ thống giáo viên có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

db-cuong-hn.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo; có quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội.

Quan tâm đến quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, song đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) nêu, quy định tại dự thảo có ưu tiên với nhà giáo là người dân tộc thiểu số trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác là chưa phù hợp.

Điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về lao động và trái với các quy định của pháp luật về lao động hiện hành, do vậy, đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ nội dung này.

Tuy nhiên, đại biểu Định đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

db-ha-bac-ninh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh). Ảnh: quochoi.vn

Vấn đề nâng cao chuẩn mực đạo đức nhà giáo trong bối ảnh hiện nay cũng được nhiều đại biểu có ý kiến. Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho biết, thời gian gần đây một số vụ việc giáo viên có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực, phản cảm, vi phạm đạo đức đã làm giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy. Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về đào tạo nâng cao chuẩn mực đạo đức và hành vi cho nhà giáo.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, nhà giáo là một nghề đặc biệt, người thầy dù ở cấp nào cũng luôn phải có đạo đức đặc biệt, trước hết là đạo đức con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là gốc rễ, nền tảng được nâng lên để phù hợp với hoạt động giáo dục con người. Do đó, cần quy định rõ hơn cơ sở nền tảng đạo đức của nhà giáo Việt Nam.

btr-nks.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tiếp thu, giải trình một số nội dung. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp thu, giải trình liên quan đến chính sách ưu đãi với nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện còn rất nhiều giáo viên chưa đủ sống bằng nghề, nên khó có thể toàn tâm, toàn ý cho việc dạy học.

Nếu xét “giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu” thì dứt khoát phải có sự ưu tiên cho nhà giáo.

Về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức cũng như vi phạm nguyên tắc chuyên môn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận về dự án Luật Nhà giáo: Đại biểu Quốc hội quan tâm chính sách đãi ngộ giáo viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.