(HNM) - Dạy thêm, học thêm (DTHT), nhất là ở bậc tiểu học, đã trở thành nỗi bức xúc dai dẳng của nhiều phụ huynh. Trong thư gửi ngành GD-ĐT nhân dịp khai giảng năm học 2012-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh, ngành cần tập trung giải quyết những bức xúc về DTHT không đúng quy định.
Thế nhưng, đã nửa học kỳ I trôi qua mà các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn DTHT vẫn chưa phát huy tác dụng. Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận đây là tình trạng phổ biến ở nhiều nơi. Vì sao?
Hà Nội cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng dạy - học, quản lý dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Ảnh: Huyền Linh |
Những "áp lực" khó tránh
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng DTHT tràn lan, gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua được chỉ ra như chương trình học quá tải, giáo viên (GV) vụ lợi, công tác quản lý lỏng lẻo... Cách đây hai năm, thanh tra Bộ GD-ĐT từng khảo sát về tình trạng DTHT, kết quả là, khoảng 85% phụ huynh khi được hỏi cho biết việc DTHT là bình thường, 45% cho rằng HT là gánh nặng tâm lý, thời gian và kinh phí, 45% GV khẳng định việc DTHT khiến HS yên tâm hơn... Dù chưa phản ánh hết về tình trạng DTHT, nhưng những con số trên và thực tiễn về DTHT đang diễn ra hằng ngày cho thấy nhiều điều.
Trước tiên là áp lực thành tích. Câu chuyện ở một trường tiểu học tại Hà Nội là một điển hình. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, cô giáo cho biết, lớp "được" giao chỉ tiêu phấn đấu có ít nhất 75% số HS đạt học lực giỏi để "gánh" cho các lớp khác, sao cho cuối năm tỷ lệ HS giỏi của trường đạt mức 70%. HS còn chịu thêm áp lực danh hiệu bởi nếu bị lỡ một năm không đạt loại giỏi thì sẽ khó có cơ hội vào trường THCS "điểm". Có cô giáo công tác hơn chục năm trong nghề đã thừa nhận rằng: xấu hổ lắm, nhưng cũng đành bằng mọi cách để "bế" các con lên. Nếu không sẽ mất thi đua. Mà mất thi đua là mất đi nhiều thứ khác nữa...
Lý do thứ hai nhưng có lẽ là quan trọng nhất dẫn đến GV tiểu học DT tràn lan, đó là vì thu nhập của chính mình. Một hiệu trưởng tiểu học tâm sự, khi nghe giám hiệu phổ biến quy định GV không được DT, có cô đã nói rằng, thế thì "treo niêu" (?). Nhưng thực tế, thu nhập hằng tháng từ lương, phụ cấp đứng lớp (trung bình khoảng gần 3 triệu), tiền dạy 2 buổi ngày (2,5 triệu), tiền chăm sóc bán trú (gần 2,5 triệu)... của GV tiểu học (trừ GV các môn chuyên biệt, tin học và ngoại ngữ) ở một trường bình thường thì đâu đến mức khó khăn. Nhưng thu nhập từ DT lại là một khoản không nhỏ, ít cũng 10 triệu, nhiều phải 20 triệu (từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/HS, lớp 40 em) nên cô giáo khó mà "vượt qua chính mình" và vừa vào lớp 1 HS đã phải đến nhà cô HT.
Nguyên nhân đến từ phía phụ huynh, ngoài một số muốn khoán trắng cho cô giáo, ngại dạy con học thì hầu hết cho con đi HT đều vì sợ con bị thua thiệt. Nếu tất cả HS cùng không HT, GV không DT thì "nhu cầu" HT kiểu như hiện nay sẽ biến mất.
Mới chỉ "chặt ngọn"
Trừ số ít HS giỏi cần được bồi dưỡng tài năng, HS kém phải phụ đạo thì đa số HS tiểu học ở Hà Nội không cần phải HT mới hoàn thành được chương trình học, các chuyên gia về giáo dục khẳng định. Vậy làm thế nào để HS không buộc phải tự nguyện HT như hiện nay? Có thể thấy, đến nay, các cấp quản lý vẫn loay hoay tìm câu trả lời. Theo quy định mới nhất về vấn đề này (Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT có hiệu lực từ tháng 7-2012), nguyên tắc DTHT là HS phải tự nguyện. Quy định như vậy chỉ là để cho có, bởi trên thực tế, khó mà phân biệt rạch ròi và kiểm soát được chuyện có tự nguyện hay không. Ngay cả việc phụ huynh phải viết đơn, GV phải viết cam kết cũng chỉ là hình thức. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã từng khẳng định, Bộ sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng dạy - học, quản lý DTHT, dứt khoát không để tình trạng HS phải đi học thêm mới được điểm cao. Nhưng những giải pháp dù chỉ là "chặt ngọn" ấy đến giờ vẫn ở đâu đó!
Quan điểm "giơ cao, đánh khẽ" của các cấp quản lý, từ chuyện ra các quy định, cho đến kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định và xử lý vi phạm là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho những bức xúc về DTHT tồn tại dai dẳng. Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT có quy định việc xử lý vi phạm nhưng rất chung chung: những tổ chức, cá nhân vi phạm, thì tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; người đứng đầu tổ chức, cá nhân có sai phạm cũng bị liên đới trách nhiệm. Tại cấp cơ sở, dù hô "khẩu hiệu" "xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh, làm gương", song trên thực tế, mức phạt nặng nhất vẫn chỉ là yêu cầu đóng cửa lớp DT. Chuyện cơ quan quản lý rình bắt tận tay việc DT, đình chỉ giảng dạy và phạt hành chính hơn chục GV như ở Quảng Ngãi là hiếm. Còn tại Hà Nội, nơi "bệnh" DTHT tràn lan ở bậc tiểu học khá nặng, dư luận đang mong đợi sự nghiêm khắc, quyết liệt của các cấp quản lý trong việc xử lý những sai phạm về DT tại một số trường tiểu học mà thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện hồi cuối tháng 9 vừa qua. Dù đây chỉ là một vài "điển hình", song chắc chắn, việc kiên quyết xử lý với những sai phạm sẽ là liều thuốc đắng dã "bệnh" DT.
Những tiêu cực của DTHT đã được "kê đơn, bốc thuốc", chỉ còn thiếu quyết tâm của lãnh đạo ngành GD-ĐT ở địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.