Góc nhìn

Ngăn chặn sự biến tướng dạy thêm, học thêm

Mai Lâm 01/12/2024 14:15

Tuần qua, chuyện dạy thêm, học thêm lại thu hút được sự chú ý của dư luận khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình một số vấn đề tại phiên thảo luận về dự Luật Nhà giáo tại Quốc hội.

Về vấn đề dạy thêm được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập, Bộ trưởng nêu rõ chủ trương không cấm việc dạy thêm, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, vi phạm nguyên tắc chuyên môn.

Có thể thấy, dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của xã hội, không phải chỉ ở thời điểm hiện tại. Với thế hệ U50 chúng tôi, nhiều người hẳn còn nhớ rất rõ, nhớ ơn các thầy cô giáo đã quan tâm, dành thời gian kèm cặp cho cả những bạn học kém (để vươn lên bắt kịp các bạn trong lớp) và những bạn học giỏi (để có thể giành những thành tích cao hơn trong các cuộc thi học sinh giỏi).

Thời đó, làm gì có thù lao mà chỉ là sự tự nguyện, tinh thần trách nhiệm của các thầy cô với học trò. Đất nước đổi mới, hội nhập mạnh mẽ toàn cầu, nền kinh tế thị trường phát triển mạnh giúp nhà nhà có điều kiện tốt hơn. Và, với tâm lý “chẳng có gì đầu tư tốt hơn đầu tư cho giáo dục”, ai cũng muốn con cái mình có điều kiện, môi trường học tập tốt hơn. Chưa kể, tâm lý “bệnh thành tích” nên nhu cầu học thêm để tiến trước, tiến chắc ngày càng lan rộng. Có cầu ắt sẽ có cung, và nhìn nhận khách quan thì việc dạy thêm không có gì xấu, bởi các thầy cô cũng phải đổ mồ hôi, bỏ trí tuệ để dạy dỗ, kèm cặp học sinh.

Đó là những đồng tiền kiếm được một cách chính đáng, nhất là khi thu nhập của giáo viên chả thấm tháp gì so với nhiều ngành nghề kinh doanh chẳng cần đòi hỏi kiến thức chuyên môn, hay đạo đức nghề nghiệp. Các thầy cô giáo cũng là con người, cũng có gia đình, con cái, có cuộc sống riêng với bao lo toan vất vả. Làm thêm hợp pháp như với các ngành nghề khác để kiếm những đồng tiền chính đáng lo cho gia đình là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, dạy học luôn được xem là nghề cao quý trong xã hội, có những quy định riêng về đạo đức nghề nghiệp. Chỉ cần “một con sâu" là đã "làm rầu nồi canh”. Đứng trước áp lực cuộc sống, kinh tế thị trường, cũng có những người thầy, người cô đã không giữ được đạo đức nghề nghiệp, từ đó lạm dụng nghề nghiệp để “ép” học sinh “tự nguyện” học thêm nhằm kiếm thêm thu nhập. Không phải vô cớ, lâu nay trong dư luận vẫn còn râm ran chuyện “dạy trên lớp thì qua loa, dạy ở nhà thì kỹ càng” và không đi học thêm thì có thể bị trù dập, điểm kém...

Một trong những giải pháp đã từng được đưa ra trước đây là cấm dạy thêm, học thêm, nhất là với bậc tiểu học và trước kỳ thi chuyển cấp. Thế nhưng, cấm thì dễ, quản mới khó và có rất nhiều chiêu trò biến tướng xuất hiện để đáp ứng nhu cầu. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là làm sao vẫn đáp ứng nhu cầu của xã hội mà không để những biến tướng gây ảnh hưởng xấu tới học sinh, dư luận.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm để thay thế cho Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Theo dự thảo, căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn, hiệu trưởng tổ chức họp với lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện cha mẹ học sinh để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch. Nhà trường cũng công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm để học sinh có nguyện vọng tự nguyện đăng ký học thêm... Giáo viên muốn dạy thêm ở ngoài nhà trường cũng phải báo cáo và không được vi phạm các quy định có liên quan nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học...

Khi mọi chuyện được công khai, minh bạch, rõ ràng, chắc hẳn sẽ giảm tối đa sự biến tướng để không chỉ thầy trò mà cả gia đình, nhà trường và xã hội đều vui!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn sự biến tướng dạy thêm, học thêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.