Ngày 24-12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có buổi làm việc với ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (Tổng thẩu EPC - Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6, Trung Quốc).
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tổ chức vận hành thử liên động toàn tuyến với 5 đoàn tàu ngày 20-9-2018. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Tại buổi làm việc, Giám đốc điều hành dự án Đường Hồng cho biết một số khó khăn trong giai đoạn nước rút để đưa công trình vào khai thác theo kế hoạch tiến độ; trong đó, hiện còn một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu, bàn giao các hạng mục cũng như toàn bộ dự án.
“Các vướng mắc này chủ yếu xuất phát từ các quan điểm, quy định pháp luật khác nhau trong các thủ tục, quy trình giữa hai nước. Vì vậy, mong Bộ trưởng chỉ đạo, tạo điều kiện tháo gỡ để giải quyết”, ông Đường Hồng đề nghị.
Báo cáo Bộ trưởng, ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với Tổng thầu để giải quyết các vướng mắc, khó khăn nên đến nay đã nghiệm thu được hơn 80% các hạng mục.
Riêng hợp phần thiết bị sau khi hoàn thành lắp đặt sẽ tích hợp hệ thống, kiểm tra, nghiệm thu đảm bảo an toàn mới tiến hành nghiệm thu toàn bộ hợp phần. Để đảm bảo nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ và tiến độ dự án, Tổng thầu cần đáp ứng được các quy định về thủ tục hồ sơ nghiệm thu.
“Trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ thuộc về Tổng thầu. Ban quản lý dự án đường sắt sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn Tổng thầu trong hoàn thiện hồ sơ, thủ tục”, ông Phương cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc nhanh chóng hoàn thành dự án, đưa công trình vào vận hành có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác giữa hai nước Việt - Trung.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với các cơ quan hữu quan TP Hà Nội tập trung hỗ trợ nhà thầu nghiệm thu một cách tốt nhất và nhanh nhất theo đúng các quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, nhà thầu phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định, như hồ sơ xuất xứ, nguồn gốc thiết bị, vật tư; hồ sơ hoàn công từng phần... để có thể hoàn thành hồ sơ nghiệm thu tổng thể. Trên cơ sở đó bàn giao công trình cho Hà Nội để đi vào vận hành, khai thác.
Sau khi bàn giao, Tổng thầu tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực trong thực tế khai thác để đảm bảo vận hành tốt, an toàn. “Công trình phải đảm bảo chất lượng, tiến độ và quan trọng hàng đầu là vận hành an toàn tuyệt đối”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Trước đó, ngày 20-9-2018, Ban quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu đã chính thức vận hành thử liên động của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Thời gian vận hành thử liên động từ 3 đến 6 tháng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6, Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.
Dự án bao gồm các hạng mục: Xây dựng 13km đường sắt đi trên cao, 1,7km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1,435m, tốc độ tối đa 80 km/h; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23ha.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.