Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu bền vững

Lam Giang| 16/12/2020 12:15

(HNMO) – Sáng 16-12 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2020”. Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin giữa cơ quan điều phối và các chủ thể tham gia hoạt động xuất khẩu; trao đổi kinh nghiệm đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong xuất khẩu hàng hóa...

Toàn cảnh hội nghị.

Diễn đàn năm 2020 có chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2020 là dịp để tập trung rà soát, phân tích những khó khăn cũng như thảo luận về phương hướng và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển thị trường, tận dụng hiệu quả những ưu thế khi thực thi các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, diễn đàn cũng tập trung trao đổi về việc đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng, linh hoạt, hiệu quả, huy động và lồng ghép các nguồn lực trong nước và quốc tế để tăng cường quảng bá năng lực sản xuất, thế mạnh của sản phẩm Việt Nam.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Về kế hoạch này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, có 11 ngành hàng có tiềm năng phát triển xuất khẩu sẽ được Bộ tập trung các hoạt động xúc tiến xuất khẩu giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhóm nông sản thực phẩm (thủy sản, trái cây, chè, cà phê); nhóm công nghiệp chế biến (dệt may, da giày và túi xách, đồ gỗ); nhóm ngành phần mềm.

Về thị trường trọng điểm, Việt Nam sẽ tập trung xúc tiến tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và thị trường các khối, nước đối tác mà ta đã ký kết hiệp định thương mại tự do như EU, Canada, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…, đồng thời khai thác các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi…

Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ kinh nghiệm, để đạt hiệu quả quảng bá hình ảnh, các doanh nghiệp nên chọn đối tác quảng bá ngay tại bản địa của thị trường xuất khẩu để có thể tiếp cận tốt với văn hóa, ngôn ngữ địa phương. “Yếu tố quan trọng là sự đồng lòng của doanh nghiệp trong việc triển khai các chương trình quảng bá, bảo đảm liên tục, mới mẻ và hấp dẫn. Đồng thời, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị phát triển bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn từ nuôi trồng đến chế biến… để đẩy mạnh xuất khẩu bền vững”, bà Tô Tường Lan nhấn mạnh.

Về bí quyết tạo thiết kế sản phẩm đồ gỗ ấn tượng, thúc đẩy xuất khẩu, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, doanh nghiệp ngành gỗ nên dựa vào điểm mạnh của mình để chọn hướng phát triển, sau đó tìm đối tác thiết kế phù hợp, có thể bắt đầu từ chính sự tinh xảo trong tay nghề của người thợ thủ công mỹ nghệ Việt Nam, đồng thời chọn nguyên liệu chất lượng và tìm đối tác phù hợp để kết nối, xuất khẩu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.