(HNM) - Thời gian gần đây, tình trạng cho vay nặng lãi không đúng quy định của pháp luật và thường gắn với những hình thức đòi nợ trái pháp luật (còn gọi là "tín dụng đen") có dấu hiệu gia tăng ở nhiều làng quê, gây ra không ít hệ lụy đối với đời sống xã hội. Để xóa bỏ tình trạng này, bên cạnh việc lực lượng chức năng tập trung đẩy mạnh đấu tranh triệt phá, rất cần sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, ngành và mỗi gia đình.
Hệ lụy của “tín dụng đen”
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 đã bán cho hàng xóm, ông Nguyễn Hữu Kỳ (thôn Hiệp Thuận, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ) chưa hết bàng hoàng: "Không biết con trai vay mượn từ khi nào mà vừa qua, một nhóm thanh niên ở thôn Hiệp Lộc (xã Hiệp Thuận) đến gia đình đòi nợ số tiền 500 triệu đồng. Bị đe dọa nên gia đình đành phải bán ngôi nhà duy nhất đang ở với giá 800 triệu đồng để trả nợ cho con".
Theo thông tin của người dân, thôn Hiệp Thuận (xã Hiệp Thuận) hiện có hơn 200 gia đình có con liên quan đến việc vay tiền với lãi suất "cắt cổ". Đáng nói, trên địa bàn thôn đã có khoảng 40 gia đình phải bán nhà để trả nợ "tín dụng đen". Trao đổi về vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận Nguyễn Kim Hường cho biết, xã rất bức xúc về tình trạng này và đã giao lực lượng công an tập trung đấu tranh xử lý, ngăn chặn. Tuy nhiên, do ổ nhóm chuyên cho vay nặng lãi luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động nên rất cần sự hỗ trợ của lực lượng công an cấp trên.
Không riêng xã Hiệp Thuận, nhiều xã thuộc các huyện: Thạch Thất, Gia Lâm, Quốc Oai… cũng đang xảy ra tình trạng cho vay nặng lãi. Theo Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội), từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã phát hiện 1.004 vụ việc có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, trong đó có 244 vụ phạm pháp hình sự với 589 đối tượng liên quan. Đáng quan ngại, trong số 244 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, có tới 105 vụ (chiếm 43,1%) xảy ra tại các vùng nông thôn.
Theo Thượng tá Nguyễn Bình, nguyên nhân xảy ra tình trạng cho vay nặng lãi chủ yếu là do một số gia đình chưa giám sát, quản lý con cái chặt chẽ. Đối tượng chuyên cho vay nặng lãi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như người đi vay không cần thế chấp tài sản... Đặc biệt, phần lớn các gia đình có con em đi vay nặng lãi không tố giác sự việc với chính quyền địa phương…
Tập trung đấu tranh triệt phá
Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an thành phố đã nhận diện thủ đoạn hoạt động của tội phạm chuyên cho vay nặng lãi và đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động nắm tình hình địa bàn, đối tượng; kịp thời phát hiện và tập trung đấu tranh triệt phá các đối tượng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”.
“Công an huyện Phúc Thọ vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Phú Thanh, sinh năm 1995, ở cụm dân cư số 4, xã Hiệp Thuận cầm đầu ổ nhóm chuyên cho vay nặng lãi trên địa bàn. Cùng với việc triệt phá các ổ nhóm "tín dụng đen", Công an huyện đã giao các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, các hành vi đòi nợ trái pháp luật”, Trung tá Trần Trung Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Phúc Thọ thông tin.
Còn theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Lân, Phó Trưởng Công an huyện Thạch Thất, để ngăn chặn "tín dụng đen", đơn vị đã rà soát toàn bộ các cửa hàng cầm đồ, cửa hàng tư vấn tài chính, ổ nhóm, cá nhân kinh doanh tài chính có phép hoặc không phép đang hoạt động trên địa bàn; thống kê toàn bộ số điện thoại quảng cáo, rao vặt về cho vay không thế chấp tài sản, cho vay tài chính... Trên cơ sở đó, 14 tổ công tác của Công an huyện, với gần 100 cán bộ, chiến sĩ đã đồng loạt ra quân kiểm tra, bắt giữ 17 đối tượng trong ổ nhóm hoạt động "tín dụng đen" do Nguyễn Kim Tiến, sinh năm 1977, trú tại thôn 6, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất cầm đầu. Điều tra ban đầu, Công an huyện xác định, Tiến cùng đồng bọn đã cho hàng nghìn người vay với lãi suất vượt quá nhiều lần quy định của pháp luật, tổng số tiền cho vay khoảng 60 tỷ đồng. Hiện vụ án đang được Công an huyện điều tra mở rộng để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định.
Còn tại huyện Gia Lâm, Đại tá An Thanh Bình, Trưởng Công an huyện cho biết, đơn vị đã sử dụng đồng bộ các biện pháp, đặc biệt là công tác điều tra cơ bản, xác định các đối tượng, ổ nhóm hoạt động nổi cộm. Qua đó tổ chức đấu tranh trực diện, kiên quyết, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen”. “Thời gian qua, Công an huyện đã khởi tố 30 vụ với 48 bị can liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, qua đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn huyện…”, Đại tá An Thanh Bình nói.
Thực tiễn cho thấy, muốn giải quyết triệt để tình trạng cho vay nặng lãi, bên cạnh việc đấu tranh, triệt phá của lực lượng chức năng, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, vận động để mỗi người dân đều nói không với “tín dụng đen”. Các gia đình cần cảnh giác, quan tâm quản lý, không để con em ăn chơi đua đòi, dẫn đến mắc nợ. Đặc biệt, khi xảy ra vụ việc liên quan đến "tín dụng đen", người dân cần trình báo, tố giác ngay với chính quyền và cơ quan chức năng để được hỗ trợ, bảo vệ đúng cách.
Từ năm 2016 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý hình sự 166 vụ với 474 bị can; phát hiện, triệt phá 44 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, 114 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”... Bên cạnh đó, Công an thành phố đã thanh loại 1.323 cơ sở và đang quản lý chặt chẽ 1.581 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.