Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy lùi “tín dụng đen”: Mở lối tiếp cận nguồn vốn hợp pháp

Minh Thúy| 11/03/2019 06:38

(HNM) - “Tín dụng đen” tồn tại đã nhiều năm với độ “phủ sóng” ngày càng rộng và gây nhiều hệ lụy nhức nhối cho xã hội. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo và không ít đối tượng liên quan đến hình thức cho vay nặng lãi đã bị xử lý, nhưng “tín dụng đen” vẫn len lỏi từ thành thị đến vùng nông thôn.

Việc Ngân hàng Chính sách xã hội giúp người dân vay vốn tại địa phương là một trong những giải pháp giảm thiểu hoạt động của “tín dụng đen”. Ảnh: Bá Hoạt


Bẫy “thủ tục nhanh, cấp tiền ngay”

Thời gian gần đây, những đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” liên tục gây ra những vụ án nghiêm trọng, làm mất an ninh, trật tự xã hội. Đặc biệt, tại một số tỉnh phía Nam và vùng Tây Nguyên, nơi cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, cũng đang phải đối diện với nạn “tín dụng đen” ngày càng trầm trọng.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang dẫn chứng, trên địa bàn tỉnh vừa xảy ra vụ một nhóm đối tượng đòi nợ, nhưng người vay mất khả năng thanh toán nên nhóm này đã đánh đập, hành hạ con nợ đến tử vong. Theo Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, "tín dụng đen" hoành hành, dễ dàng len lỏi, vươn "vòi" vào các địa phương, nhất là các tỉnh Tây Nguyên nhờ bẫy “thủ tục nhanh, cấp tiền ngay".

Người vay “tín dụng đen” phải trả giá đắt đã đành, nhưng thậm chí, người mới chỉ gọi điện hỏi thủ tục cũng mất tiền. “Người dân chỉ cần gọi điện đến các số điện thoại quảng cáo cho vay, dù không đạt được thỏa thuận vay, các đối tượng vẫn lập tức yêu cầu trả phí 500.000 đồng tiền công tư vấn. Nếu từ chối thanh toán, số tiền này sẽ bị tính lãi suất 30-40%. Các đối tượng dùng mọi thủ đoạn đe dọa nếu người vay không trả” - ông Lưu Duy Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum nêu thực tế.

Về hoạt động của các tổ chức cho vay nặng lãi, ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có 186 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Các đối tượng chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức hấp dẫn như vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay...

Tuy nhiên, người vay phải trả lãi suất rất cao, từ 282%/năm đến 365%/năm, nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con. "Khi đó, bọn chúng có nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động như đe dọa, khủng bố về tinh thần, đổ chất thải, chất bẩn vào nơi ở của người vay; tụ tập đông người tại nơi làm việc, kinh doanh, sản xuất của họ và người thân để gây sức ép; thuê các đối tượng hình sự để đe dọa..." - ông Trần Xuân Hải nói.

Theo thống kê của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 87 vụ việc liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Công an đã khởi tố 19 vụ, 50 đối tượng; xử lý hành chính 16 vụ, 30 đối tượng. Địa phương đang giải quyết 34 vụ, trong đó khởi tố 10 vụ, 25 đối tượng.

Về khách hàng của “tín dụng đen”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước phân tích: “Từ thực tế khảo sát 7 tỉnh, thành phố, có hai nhóm đối tượng chính là: Nhóm người vay với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá. Nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được vốn ngân hàng nên phải vay từ nguồn vốn không chính thống”.

Chẳng hạn, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu vay tiêu dùng cũng rất lớn, tuy nhiên khó tiếp cận nguồn vốn vay tại các ngân hàng thương mại do họ có thu nhập thấp, công việc không ổn định nên khó xác định yếu tố pháp lý để cho vay. Trong khi với ngân hàng, để bảo đảm an toàn cho mình cũng tạo ra những rào cản khiến nhóm đối tượng có thu nhập thấp rất khó có khả năng vay được tiền…

Đẩy mạnh tín dụng hợp pháp

Mặc dù tại Hội nghị trực tuyến cuối năm 2018 (ngày 26-12-2018) của ngành, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn "tín dụng đen" hoành hành.

Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình thực tế còn nhiều phức tạp, ngày 8-3-2019 tại Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tổ chức hẳn một hội nghị chuyên đề về triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen”; mà như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng chủ trì hội nghị cho biết "lý do quan trọng nhất mà Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị này tại Tây Nguyên là do những diễn biến về tình hình "tín dụng đen" tại khu vực này thời gian qua".

Tại hội nghị, nhiều ý kiến thống nhất đề xuất: Để chặn nạn “tín dụng đen” đang hoành hành ở khu vực nông thôn, những vùng quê nghèo một cách hiệu quả và căn cơ, thì các ngân hàng phải tạo thuận lợi hơn nữa trong thủ tục cho vay, đưa ngân hàng lưu động về các vùng sâu, vùng xa…

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, ngân hàng đã triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân ngay trong ngày.

Còn ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định, ngân hàng đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, không phải bảo đảm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…

Cũng tại hội nghị quan trọng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nêu ra 5 giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, về hoàn thiện khung khổ pháp lý, ngành Ngân hàng sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn nguy cơ tiếp tay cho "tín dụng đen" hoạt động… Ngành Ngân hàng cũng sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng nhằm quy định tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân, tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân.

Thứ hai, nghiên cứu để đưa ra gói tín dụng tiêu dùng cho người nghèo và các đối tượng chính sách; đề xuất nâng mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Thứ ba, nắm sát hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và người dân. Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn...

Thứ tư, người đứng đầu ngành Ngân hàng khẳng định, ngành Ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình, chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi…

Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện các giải pháp sau: Triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi vừa được Chính phủ sửa đổi, bổ sung trong năm 2018; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng ngân hàng; mở rộng mạng lưới hoạt động, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về "tín dụng đen"; trong đó, khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động. Cùng với đó, tiếp tục chính sách gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng...

Một thông tin đáng chú ý tại hội nghị là ngành Ngân hàng đang nghiên cứu nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 200 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn có đủ vốn sản xuất, phục vụ tiêu dùng.

Như vậy, những giải pháp căn cơ nhất nhằm đẩy lùi “tín dụng đen” đã được chỉ rõ. Điều cần thiết lúc này là hệ thống ngân hàng cần mở lối ngay để người dân dễ dàng tìm được nguồn vốn an toàn, hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi “tín dụng đen”: Mở lối tiếp cận nguồn vốn hợp pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.