Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy lùi sự trì trệ

Hiền Chi| 22/01/2013 07:36

(HNM) - Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về

Hoạt động của bộ phận “một cửa” UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Hải


Nội dung của Chương trình số 08-CTr/TU về cơ bản đã bám sát với các văn bản chỉ đạo của TƯ về công tác CCHC, vì vậy, các đơn vị thực hiện chương trình cũng đồng thời bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ việc triển khai Chương trình 08, công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại các quận, huyện, thị xã đã chuẩn với quy trình thẩm định của cơ quan tư pháp; chất lượng báo cáo thẩm định của các phòng tư pháp ngày càng được nâng cao; 98% dự thảo văn bản được thông qua ngay từ lần đầu trình, rất ít trường hợp phải chỉnh sửa do sai sót về kỹ thuật, thể thức văn bản.

Thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo chương trình giao, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND TP xây dựng đề án về giải quyết theo cơ chế "một cửa liên thông" đối với các nhóm thủ tục thuộc những lĩnh vực trên. Đến nay, hầu hết đều đang trong quá trình xây dựng hoặc trình UBND TP ký ban hành quy trình liên thông theo thẩm quyền. Nhiều đơn vị như UBND thị xã Sơn Tây, huyện Đông Anh, quận Long Biên, quận Thanh Xuân… đã quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí công chức làm công tác CCHC nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Hiện 100% cán bộ "một cửa" của các đơn vị này đều là cán bộ chuyên trách bộ phận "một cửa" và có bằng đại học.

Điểm nổi bật là nhiều đơn vị đã quan tâm đầu tư hiện đại hóa hành chính. Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 sang tiêu chuẩn ISO 9001:2008; đồng thời, cung cấp thông tin về lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường trên cổng giao tiếp điện tử để người dân tìm hiểu. Sở đã xây dựng cơ sở dữ liệu về danh mục hồ sơ, phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ với khoảng 50.000 hồ sơ để phục vụ tra cứu. Tương tự, Cục Thuế Hà Nội triển khai 30 phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động quản lý người nộp thuế; 97% CBCC Cục Thuế Hà Nội và 80% CBCC chi cục thuế sử dụng máy tính, các phần mềm ứng dụng phục vụ nộp thuế. Đặc biệt, Sở Thông tin - Truyền thông đang xây dựng mô hình khung về thực hiện "cơ quan điện tử", xây dựng quy định bắt buộc CBCC phải thực hiện tin học hóa trong tác nghiệp hành chính và đề án triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Các quận, huyện: Long Biên, Tây Hồ, Từ Liêm, Chương Mỹ và Thạch Thất đang xây dựng và triển khai thực hiện đề án mô hình điểm về cơ quan điện tử.

Dù đã đạt nhiều kết quả, song đáng tiếc vẫn tồn tại sự trì trệ ở một số đơn vị, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các mục tiêu của Chương trình 08. Ban Chỉ đạo chương trình đã giao 30 nhiệm vụ, đề án, kế hoạch chuyên đề cho 20 cơ quan chủ trì. Theo đó, mỗi nhiệm vụ cụ thể đều do một thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp chủ trì hoặc chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, do cơ quan, đơn vị thuộc TP trực tiếp thực hiện và có thời hạn cụ thể. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 8 đề án chưa xây dựng xong. Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh: Năm 2012, TP tập trung xây dựng các kế hoạch, đề án, đã có chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động nhưng điều rất rõ là CCHC vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra trong năm.

Các chỉ tiêu cụ thể đặt ra trong Chương trình số 08-CTr/TU là 100% các sở, ban, ngành, các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp xã triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện áp dụng hệ thống ISO trong quản lý hành chính nhà nước theo mô hình, quy trình thống nhất; đến năm 2013 hoàn thành việc đánh giá, cấp lại chứng chỉ ISO cho các đơn vị theo phiên bản ISO 9001:2008; đến năm 2015, 100% các xã, phường, thị trấn hoàn thành việc triển khai, áp dụng và cấp chứng chỉ ISO 9001:2008; cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân, DN... Để đạt được mục tiêu đó, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để đôn đốc cũng như khen thưởng và phê bình kịp thời nhằm đẩy lùi được sự trì trệ trong công tác CCHC.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi sự trì trệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.