(HNMO) - Ngày 12-10, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 08-CTr/TU) chủ trì giao ban quý III-2022 của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả 9 tháng và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022. Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU tham dự.
Số lao động được giải quyết việc làm đạt 105,2% kế hoạch năm
Những tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các chương trình, văn bản, cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU.
Theo đó, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tặng quà, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; thăm hỏi, động viên lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn do dịch, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục - đào tạo, trợ giúp xã hội phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo với tổng mức đầu tư trên 49.000 tỷ đồng.
Để hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình, 9 tháng qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại 8 quận, huyện: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ứng Hòa, Quốc Oai, Đông Anh. Thông qua công tác kiểm tra, Ban chỉ đạo ghi nhận những kết quả đạt được, cách làm hay, sáng tạo của các quận, huyện trong triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy; đồng thời, cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo để góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Ngoài ra, các thành viên Ban chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra chuyên ngành và thường xuyên đôn đốc, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện chính sách pháp luật.
Đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho 168.443/160.000 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm (tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021). Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (đơn vị trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức 189 phiên giao dịch việc làm với 4.944 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, kết quả có 12.832 lao động được tuyển dụng. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 92,1% dân số (kế hoạch Chương trình 08-CTr/TU năm 2022 là 92,5%). Số người tham gia Bảo hiểm y tế tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố duy trì hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19 với số mắc liên tục giảm từ giữa tháng 3-2022; đã tổ chức tiêm được trên 21,25 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19.
Cùng với đó, các bệnh viện tiếp tục nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân.
Hiện tại, các địa phương đang tập trung thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022. Dự kiến cuối năm 2022, có 15 quận, huyện không có hộ nghèo theo chuẩn mới (11 quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Đống Đa, Bắc Từ Liêm và 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh). Riêng các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Triển khai quyết liệt các giải pháp hoàn thành 27 chỉ tiêu của chương trình
Dù có nhiều kết quả, song Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU cũng nhận định, một số văn bản thực hiện còn chậm được ban hành. Nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn mặc dù được quan tâm bổ sung hằng năm nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội còn chậm so với kế hoạch, chưa có dự án mới nào được khởi công và mở bán dẫn đến khó khăn trong triển khai cho vay. Ý thức chấp hành pháp luật về Bảo hiểm xã hội của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao; cố tình dây dưa, chây ì để nợ, tồn đọng kéo dài…
Tại hội nghị, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU, đại biểu đã thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2022. Nhiều thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, 24/27 chỉ tiêu có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Song, hiện còn 3 chỉ tiêu cần quan tâm chỉ đạo, tính toán để đạt đúng kế hoạch gồm: Chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân; chỉ tiêu số bác sĩ/vạn dân; chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường”.
Để hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, kết quả thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục tổ chức một số cuộc kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy tại một số địa phương theo kế hoạch. Các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên ngành, gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 08-CTr/TU; đồng thời, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc thường xuyên rà soát các nội dung của chương trình là rất quan trọng để đánh giá kết quả đạt được, nhận định những khó khăn, vướng mắc để bàn giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thực hiện các chỉ tiêu của chương trình, do đó, Ban Chỉ đạo phải duy trì thường xuyên việc giao ban, đánh giá kết quả triển khai.
Thống nhất kết quả 9 tháng qua, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, thành phố dành rất nhiều nguồn lực để tập trung triển khai chương trình, với tinh thần nghiêm túc, khoa học, bài bản, trách nhiệm, trong đó, Ban Chỉ đạo thường xuyên giao ban, rà soát nhiệm vụ, tổ chức 2 đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở, qua đó nhận thấy nhiều cơ chế, chính sách đã được xây dựng, nhiều đơn vị có cách làm hay cần nhân rộng.
Với những tồn tại, hạn chế, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định rõ hơn, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị liên quan. Từ đó tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp hoàn thành 27 chỉ tiêu của chương trình, trong đó, đặc biệt lưu ý các chỉ tiêu trong lĩnh vực y tế, nước sạch…
Liên quan đến cơ chế, chính sách, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, các sở, ngành tăng cường rà soát, kết hợp kiểm tra các cơ chế, chính sách đã có, cần tham mưu gì để tháo gỡ các chỉ tiêu khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.