(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Kết quả đến thời điểm hiện tại cho thấy, việc thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU đã đạt được nhiều điểm nhấn nổi bật, khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Kết quả đáng ghi nhận
“Bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn”; “Tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô”… Đây là chủ trương được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố Hà Nội; đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo này cũng như để triển khai hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 8-9-2021, trong đó đề ra 27 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của Chương trình số 08-CTr/TU. Các chỉ tiêu này được bám sát, điều chỉnh, đánh giá theo từng năm, từng kỳ hoạt động. Đặc biệt, trong tháng 7 và tháng 8-2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại các quận, huyện: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Ba Vì, Đông Anh, Thạch Thất, Ứng Hòa…, nhằm rà soát, đánh giá cụ thể từng chỉ tiêu các đơn vị, địa phương đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đáng chú ý, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, trong số 27 chỉ tiêu cụ thể của Chương trình số 08-CTr/TU, có nhiều chỉ tiêu được thực hiện rất tốt, như: Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3% (hiện ở mức 2,12%); giải quyết việc làm cho 160.000 lượt người/năm (số liệu cập nhật đến ngày 20-8 là 153.523 lao động, đạt 96% kế hoạch năm); tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất 85% (hiện đã đạt 84,6%)… Một số chỉ tiêu đã đạt 100% ngay ở kỳ đánh giá 6 tháng đầu năm 2022: 100% xã, phường, thị trấn có Quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; duy trì tỷ lệ 100% người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn của thành phố; 100% trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị xâm hại, bạo lực khi phát hiện được can thiệp, trợ giúp kịp thời…
Trong tổng số 30 văn bản về cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, đến nay đã có 25 văn bản được ban hành, đạt 83,3% kế hoạch. Các văn bản này có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo cơ chế, chính sách để thực hiện thành công Chương trình số 08-CTr/TU, gồm: Kế hoạch số 159/KH-UBND về nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 192/KH-UBND thực hiện các chỉ tiêu về số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Thường xuyên rà soát, hiện đại hóa hệ thống quản lý
Ghi nhận sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị thành phố trong triển khai Chương trình số 08-CTr/TU, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đặc biệt lưu ý các cơ quan hữu quan phải thường xuyên rà soát, có cách thức làm khoa học, phù hợp, sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách và hiện đại hóa hệ thống quản lý... Làm tốt được việc này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; tạo việc làm bền vững, bảo đảm thu nhập tối thiểu; đồng thời, mở rộng vững chắc diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế toàn dân.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu phải đặc biệt lưu tâm đến các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thực hiện hiệu quả các chính sách để người dân tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, hướng tới phát triển bền vững...
Quan tâm, chăm lo toàn diện cuộc sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội. Trong đó, an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng, mang tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc, hướng tới sự hưng thịnh và hạnh phúc cho mọi người và cho xã hội. Chính vì vậy, để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2022 liên quan đến Chương trình số 08-CTr/TU, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU yêu cầu các đơn vị, từ nay đến cuối năm, cần sớm hoàn thành một số văn bản về cơ chế, chính sách còn chậm ban hành, đơn cử như: Sở Y tế Hà Nội cần tập trung ban hành Kế hoạch thực hiện chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch triển khai mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thường xuyên rà soát, gắn việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 08-CTr/TU với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, địa phương và trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.