LTS: Không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, tình trạng bày bán thức ăn đường phố tràn lan không rõ nguồn gốc còn gây mất trật tự mỹ quan, văn minh đô thị, an toàn giao thông… Thế nhưng, làm thế nào để đưa lĩnh vực hoạt động kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ này vào quy củ vẫn là vấn đề làm “đau đầu” các nhà quản lý.
LTS: Không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, tình trạng bày bán thức ăn đường phố tràn lan không rõ nguồn gốc còn gây mất trật tự mỹ quan, văn minh đô thị, an toàn giao thông… Thế nhưng, làm thế nào để đưa lĩnh vực hoạt động kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ này vào quy củ vẫn là vấn đề làm “đau đầu” các nhà quản lý.
Bài đầu: Khó kiểm soát
Không phải đến thời điểm này, mà từ lâu các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp quyết liệt để “tuyên chiến” với thức ăn đường phố (TĂĐP) kém chất lượng. Từ trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều chương trình, chỉ thị... liên quan đến lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), trong đó có TĂĐP. Thế nhưng, đến nay loại hình kinh doanh này vẫn là lĩnh vực khó kiểm soát.
Phát triển nở rộ...
Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có hơn 59.000 cơ sở thực phẩm (tăng 1.000 cơ sở so với năm 2015). Trong đó, Ngành Y tế quản lý hơn 34.338 cơ sở, bao gồm 481 cơ sở sản xuất, 2.100 cơ sở kinh doanh, 26.609 cơ sở dịch vụ ăn uống, 5.148 cơ sở TĂĐP và 5.612 sản phẩm thực phẩm. Đến nay, đã có 99% cơ sở dịch vụ ăn uống ký cam kết bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) và vẫn còn khoảng 17% cơ sở chưa đạt các điều kiện ATTP, do cơ sở chật hẹp, vệ sinh mặt nền chưa gọn, lấn chiếm vỉa hè…
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, TĂĐP ngày càng nở rộ, hầu như trước cửa nhà mặt tiền nào cũng có bán hàng ăn. Trên địa bàn quận Đống Đa có 715 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, TĂĐP. Riêng phường Trung Liệt có 75 cơ sở kinh doanh TĂĐP, chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ, thường xuyên biến động như ở vỉa hè, nhà ga, bến xe. Điều lo lắng nhất của người tiêu dùng hiện nay chính là nguồn gốc thực phẩm của các hàng quán liệu có bảo đảm an toàn?
Bà Hà Thị Lê Nhung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa thẳng thắn cho rằng, trên địa bàn quận chủ yếu là các cơ sở kinh doanh TĂĐP. Nhiều cơ sở nằm sâu trong ngõ ngách, tổ dân phố, không có địa điểm cố định nên việc phát hiện, điều tra và tổ chức thanh tra, xử lý vi phạm ATTP gặp khó khăn, nhất là kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu đầu vào. Còn ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thừa nhận, khó quản lý, kiểm soát việc kinh doanh TĂĐP do hình thức kinh doanh đa dạng, cơ động. Đa phần các quán ăn vỉa hè, nhất là tại các cổng bệnh viện, trường học rất hạn chế về trang thiết bị, dụng cụ chế biến, vệ sinh môi trường…
Anh Nguyễn Huy Hoàng, nhân viên Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley cho biết: “Việc phát triển các loại hình TĂĐP là nhu cầu tất yếu của xã hội, đem lại nhiều thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những mối nguy hại tới sức khỏe, bởi hầu hết thực phẩm này được chế biến từ nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quy trình chế biến không bảo đảm VSATTP, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm”.
Không dễ sắp xếp
Ẩm thực đường phố là nét đặc thù của các đô thị, nhưng đã phát triển quá mức, khiến vấn đề VSATTP trở thành nỗi ám ảnh với tất cả mọi người và làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Do vậy, thời gian qua, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp tổ chức, sắp xếp lại TĂĐP để quy củ, dễ kiểm soát.
Cuối năm 2013, Sở Y tế Hà Nội bắt đầu triển khai Đề án xây dựng “Mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP”. Thế nhưng, khi bắt tay vào triển khai đề án, ông Lê Đức Thọ, nguyên Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội từng cho rằng, việc triển khai mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP không phải dễ, đặc biệt ở nơi đông đúc như Hà Nội. Chúng tôi đã phải mất rất nhiều ngày dạo các tuyến phố Hà Nội mới chọn được mấy tuyến phố làm thí điểm. Song, thuyết phục các địa phương đã khó, việc triển khai đến cơ sở kinh doanh còn khó khăn hơn.
Đến nay, sau ba năm đề án được triển khai đã thấy những chuyển biến rõ hơn trong ý thức chấp hành quy định VSATTP của người quản lý, sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng kinh doanh TĂĐP vi phạm ATTP chưa bảo đảm 10 tiêu chí theo quy định vẫn còn khá phổ biến. Vi phạm nhiều nhất là chế biến, bày bán ngay trên vỉa hè không che đậy, cơ sở chật hẹp, chung với nơi sinh sống của gia đình. Nhiều điểm bán hàng rong không có dụng cụ bảo đảm vệ sinh, không có dụng cụ che đậy thực phẩm, thậm chí bán hàng ngay cạnh cống rãnh thoát nước…
Ngày 14-4-2016, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, TĂĐP. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh ăn uống, TĂĐP. Tại 30 tuyến phố văn minh đô thị được đăng ký làm điểm ở mỗi quận, huyện, thị xã phải duy trì và nhân rộng mô hình điểm về TĂĐP, mô hình cải thiện ATTP. Thế nhưng, chỉ nơi nào được chọn làm mô hình điểm, có sự giám sát chặt của cơ quan chức năng thì nơi đó mới gọn gàng, tinh tươm; còn nơi nào không trong diện được tuyển chọn thì “đâu vẫn đóng đấy”. Chính quyền địa phương được quy trách nhiệm rõ ràng trong quản lý cơ sở dịch vụ ăn uống, TĂĐP, nhưng trên thực tế vẫn chưa thực sự sâu sát, chưa làm tròn vai.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.