“Nắng dậy thì” là tập thơ mới nhất của Nguyễn Ngọc Hạnh vừa ra mắt bạn đọc những ngày đầu năm 2024. Tập thơ gồm 64 bài có trang bìa là bức tranh người thiếu nữ được pha màu độc đáo qua ngòi bút tài hoa của họa sĩ Văn Sáng. Với dung lượng vừa phải, cách chèn chân trang và trình bày đẹp, cuốn sách có sức hút độc giả ngay từ hình thức bên ngoài.
Bước vào trang thơ, người đọc dễ nhận ra, vẫn là nỗi buồn từ trong nguồn mạch thơ của ông lâu nay, nhưng đến “Nắng dậy thì”, nỗi buồn ấy đằm sâu, lắng đọng hơn, chất chứa những trải nghiệm của Nguyễn Ngọc Hạnh trong suốt năm mươi năm sáng tác. Thi ảnh trong thơ ông không chỉ bó hẹp ở không gian về làng quê mà còn mở ra những kết nối giữa làng quê và phố thị. Nơi ấy không chỉ có dòng sông Vu Gia quê nhà: “Chỉ là hoài niệm tuổi thơ/ Qua dâu bể chẳng bao giờ nguôi quên”, và nỗi trào dâng nuối tiếc về những điều đã qua: “Tôi về trong một chiều mưa/ Còn đâu, cả tiếng đò thưa vắng dần/ Sông ơi, xin được một lần/ Cho tôi trả hết nợ nần trót vay” (“Nói gì đây sông ơi”), mà còn có dòng sông Hàn chảy qua phố thị trước khi hòa vào lòng đại dương mênh mông: “Phố gần biển cũng chẳng xa/ Sông Hàn chảy giữa quê nhà yêu thương/ Cầu quay mấy nhịp tơ vương/ Đò ơi còn nhớ dặm trường xa xưa” (“Phố bên sông”).
Dù có rời làng quê bao nhiêu năm đi nữa, làng quê vẫn là nỗi nhớ thăm thẳm trong những vần thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Nơi ấy vẫn ăm ắp những điều thiêng liêng, vẫn là sợi dây kết nối bền chặt một thời thơ dại, là gốc rễ ăn sâu, quấn chặt trong tâm hồn biết bao hoài niệm. Nên trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, hồn quê là mạch nước trong, lấp đầy niềm thương nhớ: “Chút tình gửi lại với quê/ Hồn thơ còn lấm bờ đê đầu làng” (“Gửi quê nhà”).
Qua bao thăng trầm cuộc đời, Nguyễn Ngọc Hạnh bước vào tuổi xế chiều, bên cạnh lời tự sự da diết về làng quê, giọng thơ ông càng lắng sâu nỗi niềm thế sự, thu hút người đọc. Mượn thi ảnh thời gian, nhà thơ ký thác bao điều về nhân thế, về quy luật trả vay của cuộc đời. Đọc những trang thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, ta chạm tới nhiều bình diện thời gian: Có thời gian của hiện tại, của quá khứ; có thời gian tâm tưởng để hồi ức; lại có thời gian hiện thực để tự vấn lương tâm. Thời gian trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là chiều với chút nắng sót cuối ngày giữa biển rộng mênh mông, nhà thơ chuếnh choáng trong men say của tình yêu: “Nắng rây rây như đắp lên chiều/ Trời vàng vọt dỗi hờn im ắng/ Ai rót em vào ngày biển lặng/ Để mình anh uống cạn mây trôi” (“Biển chiều”); là khoảng không của đêm tối cùng những giấc chiêm bao dằng dặc và đầy suy nghiệm: “Giữa đời này là giấc ngủ mê/ kẻ thức sớm thương người dậy muộn/ ai chẳng trót vay từ số phận/ nợ trăm năm chưa trả hết vui buồn” (“Chiêm bao”). Dẫu biết quy luật của nhân thế là vậy, nhưng nhà thơ không bi quan, yếm thế mà luôn phóng chiếu vào tâm hồn người đọc chút hửng sáng của tin yêu. Hình ảnh sớm tinh khôi với nắng dậy thì trong tập thơ này là minh chứng rõ nhất: “Khi trời chiều bóng ngả về đông/ Càng say đắm sợi tơ vàng lấp ló/ Một chút sương mờ rơi trên cỏ/ Thơm dịu dàng màu nắng tinh mơ/ Tôi như vừa nhặt được câu thơ/ Rơi trên vai em trôi lên ngực/ Lấp lánh màu trời huyền diệu/ Chạm hồn tôi nắng sớm dậy thì”. Những triết luận về thời gian của nhà thơ còn ẩn tàng qua từng ý thơ ở các thi phẩm có nhan đề thật gọn: “Dọn mình”, “Cài đặt”, “Trả vay”, “Gánh thơ”, “Giếng xưa”, “Mòn”, “Cứ ngỡ”…
Theo dõi chặng đường viết trong gần nửa thế kỷ nhưng kết tụ chỉ trong bốn tập thơ khiêm tốn, cho thấy Nguyễn Ngọc Hạnh không hề dễ dãi với công việc làm thơ. Ông luôn chú ý đổi mới trong từng câu thơ, trong từng thi ảnh. “Nắng dậy thì” của Nguyễn Ngọc Hạnh để lại trong lòng bạn đọc một dấu ấn khó phai bởi các bài thơ trong tập sách đều có tứ, xúc cảm mới mẻ; nhà thơ luôn tạo cái kết đầy bất ngờ cùng những khoảng lặng của ngôn từ và giọng thơ riêng không lẫn.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh sinh năm 1953 tại Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, hiện sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.