Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh đổ bức bình phong

Dục Tú| 13/10/2014 05:56

(HNM) - "Tiền trường" dùng để chỉ những khoản nộp liên quan đến sự học của trẻ, gần đây trở thành nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh, gây bức xúc trong dư luận.

Năm nay, giờ đã gần giữa tháng 10, khi năm học mới đã bắt đầu được hơn một tháng và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản đề nghị các địa phương chấn chỉnh tình trạng lạm thu tại các nhà trường, nỗi bức xúc vẫn không hề giảm. Cuối tuần qua, báo chí vẫn nêu hàng loạt trường hợp lạm thu, "bêu danh" cơ sở giáo dục "có vấn đề" ở tỉnh này, tỉnh khác. Chuyện không lạ, không mới nhưng đã quá sức chịu đựng của nhiều người. Nếu gọi hiện tượng lạm thu, thu sai là bệnh thì đã có thể coi đó là bệnh nặng, bệnh nguy hiểm.

Vì sao nguy hiểm? Vì sự lạm thu có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Học sinh nghèo phải bỏ học hoặc học trong sự mặc cảm "không bằng con nhà người", thậm chí có thể phải chịu sự ghẻ lạnh từ phía giật dây cho sự lạm thu.

Ban đại diện cha mẹ học sinh, khâu nối đáng có nhằm duy trì mối dây liên lạc giữa các gia đình và nhà trường nhằm phục vụ cho sự học của trẻ được tốt đẹp hơn, giờ bị mang tiếng ác "là bình phong cho sự lạm thu", "cánh tay nối dài" cho những kẻ đi ngược lại chủ trương đúng về xã hội hóa giáo dục. Khi việc thu sai, thu nhiều khoản không đúng với quy định trở thành phổ biến, nó không chỉ bôi xấu hình ảnh của ngành giáo dục, tạo gánh nặng cho xã hội, mà còn ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, vốn đã được xác định đúng là "quốc sách hàng đầu". Là bệnh nguy hiểm bởi sự lạm thu, những kiểu cách "vẽ ra để thu" giờ đã trở thành chuyện thường thấy, có thể thấy ở nhiều nơi, sự sai phổ biến mà không gây ngạc nhiên nữa. Người ta, đương nhiên là "muốn con hay chữ", đa số chọn cách cố gắng theo ý nhà trường, không có gì khác là thỏa hiệp với sự sai thay vì chống lại điều đó. Những phản ứng theo lối đối mặt không phổ biến, sự bức xúc được giải tỏa trên mạng xã hội và tạo ra hiệu ứng rất khó kiểm soát. Những rì rầm, âm ỉ trong dư luận có thể hình thành một cách hiểu tiêu cực đối với cơ quan quản lý ngành - nơi chưa có đủ giải pháp khả thi để triệt tiêu nạn lạm thu, ảnh hưởng đến hình ảnh đáng kính của những nhà giáo chân chính. Những tấm gương sáng của ngành giáo dục hoặc liên quan đến giáo dục, như bà giáo cao tuổi Hồ Hương Nam (phường Yên Phụ - Tây Hồ - Hà Nội), người vừa được UBND TP Hà Nội tôn vinh "Công dân Thủ đô ưu tú", sẽ nghĩ gì?

Ngành giáo dục không tỏ thái độ bó tay trước nạn lạm thu, cấp bộ cũng vậy và cấp địa phương cũng vậy, thể hiện ở chỗ cứ trước năm học mới là tíu tít soạn văn bản "yêu cầu", "đề nghị" chấn chỉnh nạn lạm thu tiền trường. Ra văn bản rồi còn tổ chức thanh - kiểm tra tình hình thu - chi đầu năm, có nơi tuyên bố thành lập đến vài chục đoàn thanh tra, áp dụng cả hình thức kiểm tra thường xuyên, đột xuất… Tuy thế, cũng như vấn nạn dạy thêm, những giải pháp dành cho việc lạm thu tỏ ra thiếu hiệu quả. Tại nhiều nơi trong số cơ sở giáo dục bị cho là đã để xảy ra tình trạng lạm thu, bản chất sự việc ẩn sau "tấm lá chắn" ban đại diện cha mẹ học sinh và cái gọi là thái độ tự nguyện của người nộp tiền. Đại diện phụ huynh kêu gọi thu sai thì trả lại, thế thôi, nhà trường nào có biết gì. Giải pháp mới về xử lý kỷ luật đối với hiệu trưởng nhà trường để xảy ra tình trạng lạm thu, vì thế, mới chỉ đủ mở ra tia hy vọng mong manh.

Dư luận cho rằng biện pháp chấn chỉnh nạn dạy thêm - học thêm, lạm thu hiện chưa đủ mạnh. Thêm nữa, như manh nha ý tứ gần đây của nhiều chuyên gia, giải pháp đã bị vô hiệu hóa một phần bởi thái độ "hưởng ứng sự sai" từ phía các bậc phụ huynh, rằng ngành giáo dục đã công bố những khoản không được phép thu nhưng phụ huynh không biết, không rõ nên vẫn cứ nộp sai… một cách tự nguyện. Bởi thế, bên những giải pháp bổ sung "to lớn" mà ngành giáo dục có trách nhiệm nghiên cứu, ban hành để xử lý người đứng đầu cơ sở giáo dục liên quan trực tiếp đến việc lạm thu, cần có thêm chế tài đối với những hiệu trưởng để xảy ra tình trạng ban đại diện cha mẹ học sinh không hiểu được thu và không được thu gì, thu như thế nào nên dẫn đến… tự nguyện thu sai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh đổ bức bình phong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.