(HNMO) - Ngày 14-11, tại huyện Đông Anh, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hà Nội khai mạc chung khảo Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” thành phố Hà Nội lần thứ III - năm 2022.
Tới dự có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của mô hình làng trong đời sống cộng đồng: Là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc, nơi phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị cơ sở; đồng thời là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh thông qua các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.
“Để đạt được kết quả đó, bên cạnh sự sát sao của các cấp ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của cán bộ trưởng thôn - người vừa gần dân, hiểu dân nhất, vừa là đại diện tiêu biểu của nhân dân trong thôn, làng, cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở, để trực tiếp tiếp nhận và truyền đạt, tổ chức và hướng dẫn nhân dân thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Chính vì vậy, nâng cao năng lực trách nhiệm, uy tín người trưởng thôn là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả thực thi nhiệm vụ ở cơ sở, các hoạt động triển khai xây dựng đời sống văn hóa, củng cố, bồi đắp khối đại đoàn kết toàn dân”, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” thành phố Hà Nội lần thứ III - năm 2022 được tổ chức nhằm tiếp tục tuyên truyền, quảng bá truyền thống văn hóa lịch sử của các địa phương, kết quả triển khai, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nông thôn mới tại các thôn, làng.
Đây còn là dịp giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác giữa các thôn, các cán bộ trưởng thôn trong công tác xây dựng thôn, làng văn hóa; động viên, khích lệ các trưởng thôn thêm gắn bó mật thiết với công tác địa phương, các hoạt động nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở.
Hội thi được phát động từ tháng 8-2022, với sự tham gia của 18 trưởng thôn là đại diện tiêu biểu, xuất sắc được lựa chọn từ hội thi cấp cơ sở của 18 huyện, thị xã. Qua 3 vòng sơ khảo tại 3 khu vực Gia Lâm, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ban tổ chức đã thống nhất chọn ra 5 đại diện xuất sắc, đến từ các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây để tham gia vòng chung khảo.
Tại chung khảo, các thí sinh cùng tranh tài thông qua 3 phần thi: Chào hỏi, Kiến thức và Thuyết trình, tạo nên không khí cạnh tranh đầy sôi nổi và hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo khán giả.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức thống nhất trao giải Nhất cho bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng thôn Mít, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh; 2 giải Nhì bà Đỗ Thị Chanh, Trưởng thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm và ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn Sài Khê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; 2 giải Ba ông Nguyễn Văn Công, Trưởng thôn Thủ Trung, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây và ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 13 giải Khuyến khích cho các huyện tham gia hội thi, cùng các phần quà có ý nghĩa cho 6 đơn vị lọt vào vòng chung khảo. Giải Nhất tập thể tổ chức tốt hội thi cấp cơ sở đã được trao cho huyện Đông Anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.