Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội nêu những bất cập trong chọn sách giáo khoa mới

Đình Hiệp| 01/06/2023 09:40

(HNMO) - Những hạn chế trong quản lý điều hành, đặc biệt là liên quan đến những bất cập trong công tác thẩm định, đấu thầu sách giáo khoa phổ thông đã ảnh hưởng đến thực hiện đổi mới chương trình giáo dục sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) khẳng định như vậy khi thảo luận tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 1-6.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy ghi nhận nỗ lực rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và chỉ đạo biên soạn, xuất bản phát hành sách giáo khoa mới theo đúng tiến độ mà các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. 

Về những sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, thái độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà xuất bản trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng. Dư luận không đồng tình hiện nay hầu hết các ý kiến phê bình góp ý không được các nhà xuất bản và Bộ trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế. Cùng với đó là tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, của nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn sách giáo khoa mà báo chí thường phản ánh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng “chạy chọt, đi đêm” trong việc này thì sẽ lại có những vụ như Việt Á hay các vụ án hình sự về đấu thầu, trang thiết bị trong chính ngành giáo dục. Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm; đồng thời, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của Thông tư 252. Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa tài liệu học tập.

Liên quan đến vấn đề giáo dục, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) nhận định, giáo dục đại học trong cả nước bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện quyền tự chủ, được xã hội công nhận, góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập với giáo dục đại học trên thế giới. Tự chủ giáo dục đại học một mặt giúp các trường đại học chủ động hơn trong quyết định một số vấn đề về chuyên môn, tài chính, nhân sự, nhưng mặt khác lại là thách thức trong vấn đề huy động các nguồn lực tài chính. Vì thế, chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên, học viên, đặc biệt trong đào tạo thạc sĩ, chất lượng giảng dạy tại nhiều trường đại học không còn là mối quan tâm hàng đầu, mà thay vào đó là nguồn thu, số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh được.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) thảo luận.

Bên cạnh đó, vẫn còn chưa thống nhất giữa Luật Giáo dục đại học với một số luật chuyên ngành khác trong việc điều chỉnh các hoạt động giáo dục đại học, làm cho các công cụ, chính sách để thực hiện các nội dung tự chủ vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều trường đại học gặp khó trong hoạt động tự chủ của mình. 

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cần phải nhanh chóng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của vùng kinh tế và các địa phương. Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học cần phải dựa trên việc phân tầng các trường đại học, từ đó có chiến lược phát triển theo tầng đại học từ cao xuống thấp. Mỗi tầng đại học sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng và khai thác thị trường riêng, không có quy định chung đối với tất cả trường đại học trong cả nước.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) tranh luận.

Tranh luận với quan điểm tự chủ đại học nhưng các trường đại học đang bị bó buộc bởi các quy định nên không tự chủ được, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho biết, bên cạnh việc bó buộc thì có những quy định “đường mòn, lối mở” làm cho các trường đại học vận dụng, nhiều khi rất thoáng trong chính sách.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho hay, học phí đại học đang tăng lên rất cao. Theo Nghị định 81, các trường sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Từ đó, tạo nên làn sóng đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Trên thực tế, có nhiều trường đã tăng lên rất cao, có những trường không mở ngành học bình thường nhưng lại mở ngành chất lượng cao. 

Đại biểu nêu quan điểm, “nếu là dự án BOT sẽ là đường cũ để dân đi, nếu người nào có tiền thì đi đường mới với sự đầu tư mới”. Tuy nhiên, nhiều trường có những ngành học tăng học phí từ khoảng 20-30 triệu đồng lên 60 triệu đồng, bởi chỉ có “đường BOT”; còn chất lượng cao có điểm đầu vào thấp hơn chất lượng bình thường, chỉ tăng thêm một số môn học, sau khi kiểm định xong thì tăng học phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội nêu những bất cập trong chọn sách giáo khoa mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.